3 bước cai Facebook hiệu quả (với mình)

Như rất nhiều bạn khác, mình cũng dành rất nhiều thời gian trên Facebook. Không ai có thể phủ nhận sức cám dỗ của nó: Mọi cập nhật về bạn bè, người thân, mọi trends thú vị nhất, mọi video bánh cuốn nhất, mọi bài viết được quan tâm nhất, mọi thông tin, mọi cơ hội việc làm, học bổng, mọi kèo mua bán thơm ngon nhất,… đều có trên Facebook. Nói đến cai Facebook, là nói đến việc phải từ bỏ việc tiêu thụ tất cả những thứ mà Facebook mang lại. Nghe to tát nhưng với 1 số người, bỏ Facebook cũng như phải từ bỏ cả thế giới vậy.

Mình cũng từng thử nhiều cách cai Facebook khi thấy screentime của mình dành cho Facebook là quá nhiều. Từ khóa tài khoản, dùng các app cấm truy cập Facebook khi học/làm việc, dùng nickclone, chia khoảng thời gian rõ ràng cho Facebook,… nhưng không có gì hiệu quả quá vài ngày. Sự buồn chán, nỗi cô đơn, FOMO và đủ lý do khác nhau: buồn lướt, vui lướt, không vui không buồn lướt,… khiến việc cai Facebook khó như cai ngải.

Mình nhận ra mình đã cố cai Facebook sai cách. Hay ít nhất những cách đó chưa phù hợp với mình. Việc phải ép bản thân ngừng hẳn Facebook là quá khó vì ở đó vẫn có những cộng đồng đem lại giá trị cho mình. Việc chia mốc thời gian cũng quá khó vì con người không phải là một cái máy. Không phải cứ đúng 12h00 trưa và 9h00 tối là vào Facebook, thời gian còn lại thì có thể nghiêm túc làm việc khác. Sự máy móc đó không thể kéo dài lâu với mình. Mình cần một cách bền vững hơn.

Cách này chẳng ai chỉ cho mình. Mình tự thấy nó phù hợp với bản thân và áp dụng. Do đó bạn cũng chỉ nên tham khảo nó mà thôi, chưa chắc nó đã hiệu quả với bạn. Vấn đề không phải là loại bỏ hoàn toàn Facebook, mà là thiết lập lại mối quan hệ với Facebook – Làm cho mối quan hệ này không còn mặn mà. Facebook vẫn ở đó, mình vẫn xài tài khoản đó, nhưng cả hai chẳng còn tha thiết gì nhau. Mình đã áp dụng cách này từ tháng 6/2021 và đến giờ (tháng 2/2022), mình tự thấy bản thân đang có mối quan hệ khá lành mạnh với Facebook.

Bước 0: Bạn đã sẵn sàng chiến thắng FOMO?

Trước khi đi vào cách mình đã áp dụng, thì có một câu hỏi quan trọng cần trả lời: Bạn đã sẵn sàng chiến thắng FOMO (Fear of missing out – Hội chứng sợ bỏ lỡ)? Vì chỉ khi vứt bỏ ảo tưởng FOMO, bạn mới dám bớt thời gian cho Facebook và dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống thực.

Chỉ khi sẵn sàng, chúng ta mới có thể đi tiếp. Mình biết nhiều người sẽ chối bỏ ý tưởng cai Facebook ngay lập tức. Họ có nhiều lý do, hay chính xác là lời biện minh: ơ mà trên đó có bạn bè, có crush, có nhóm học tập, có cơ hội du học, làm việc, có giải trí,… nhưng yên tâm đi, bạn chẳng phải buông hết tất cả. Chỉ cần bạn sẵn sàng buông ĐA SỐ thông tin trên Facebook là được. Nhưng nếu cái gì bạn cũng muốn giữ vì FOMO không cho phép bạn buông, cái gì bạn cũng thấy cần: nhóm học tiếng anh, nhóm yêu chó, nhóm nuôi mèo, video hài, video giảm béo, status của crush… thì rất khó. FOMO chỉ là một trong nhiều ảo tưởng không có thật. Bạn cứ sợ bỏ lỡ cái-gì-đó, ở-đâu-đó, thế bạn đã bao giờ sợ bỏ lỡ hiện-tại-có-thật chưa?

Nếu bạn đã sẵn sàng vượt qua FOMO và muốn bớt thời gian cho Facebook, thì có thể tham khảo cách của mình dưới đây. Mà tham khảo thôi nhé, vì như mình đã nói, bạn phải hiểu tính cách của bạn và tìm ra cách hòa hợp với tính cách đó. Không cần phải ép mình vì bạn sẽ bớt Facebook không phải 1 ngày, 1 tháng, mà là nhiều năm về sau nữa.

Bước 1: Bạn thực sự cần gì trên Facebook?

Hãy trung thực trả lời câu hỏi trên, vì thực sự bạn không gì nhiều trên newsfeed như bạn nghĩ. Chúng ta bắt đầu dùng Facebook từ những năm cấp III, và trong suốt 5-10 năm sử dụng, chúng ta đã vô thức like, follow quá nhiều page, bạn bè, người nổi tiếng,… Do đó newsfeed càng ngày càng có nhiều thứ hấp dẫn mà hễ cứ mở lên là không sao dứt ra được. Đôi khi ta cũng muốn dứt, nhưng mà không cưỡng lại được. Lướt 5 phút thôi, rồi 1 tiếng trôi qua. Newsfeed chính là vấn đề. Trong vô thức, chúng ta lướt từ trên xuống dưới và đã thế, khi thấy page/người nào thú vị hiện lên là ta bấm vào để khám phá profile của page/người đó. Trong profile đó mà có gì hay ho nữa, ta lại bấm vào khám phá tiếp. Giống như từng cánh cửa. Bạn cứ mở từng cái, từng cái và rồi chợt thấy bản thân đang ở trong không gian ảo xa lạ của người xa lạ, chẳng còn biết tôi là ai, đây là đâu, và vào đây để làm gì.

Vậy nên muốn cai, hãy hỏi xem bạn cần gì trên newsfeed. Thực sự cần. Hãy trung thực và danh sách đó chỉ nên dưới 10 pages/groups thôi. Với mình thì là 2-3 groups tu tập chánh niệm, 1 page của sư ông Thích Nhất Hạnh, 1 page của Osho Zen Vietnam, 1 page của Rừng Thiền Núi Sương. Đây là những nơi nhắc nhở mình về chánh niệm, và với mình đó là điều quan trọng nhất. Mình bỏ follow hết group học tập/việc làm, vì mình tin là khi mình thực sự cần, mình có thể tự search ra. Bình thường, chúng không cần hiện lên newsfeed của mình. Mình không sợ bỏ lỡ.

Bước 2: Tiến hành tối giản newsfeed!

Bắt đầu tiến hành unfollow tất cả những page/group/người không nằm trong danh sách bạn cần. Bạn đã follow vô thức quá nhiều thứ, và giờ bạn sẽ unfollow chúng trong ý thức. Bạn biết bạn đang làm gì. Bạn sẽ không để thuật toán của Facebook thao túng mình nữa. Bạn chỉ giữ follow những thứ thực sự đem lại giá trị NUÔI DƯỠNG cho bạn, không phải là vài tràng cười qua ngày, không phải là những bức ảnh sang chảnh, không phải là những bài viết tranh luận ai đúng ai sai. Newsfeed của bạn sẽ thực sự giúp bạn thấy tích cực, thấy được nuôi dưỡng và truyền cảm hứng.

Yên tâm là khi bạn cần tips nuôi chó, bạn vẫn có thể search group hội nuôi chó và vào đó hỏi han. Chúng ta vẫn dùng Facebook cơ mà, nhưng là dùng với ý thức, với sự làm chủ. Cần gì, bạn cứ search, những thứ bạn cần vào thời điểm đó vẫn sẽ có sẵn để bạn truy cập.

Bạn sẽ không thể unfollow hết tất cả mọi thứ trong 1 ngày. Mình phải mất vài tuần để vào Facebook và unfollow từng mục hiện lên. Trong quá trình unfollow, hãy cương quyết và unfollow tận gốc những thứ không ở trong danh sách ở bước 1. Dần dần, newsfeed trở nên sạch sẽ và mỗi lần vào Facebook, mình lại thấy nhẹ nhõm hơn. Mình biết chắc chắn khi vào đó, mình sẽ được chào đón bởi những nội dung tích cực, có giá trị nuôi dưỡng tinh thần.

Sư ông Thích Nhất Hạnh đã dạy rằng: “Phải nuôi dưỡng mình bằng những yếu tố lành mạnh, tươi mát và có tính cách trị liệu rồi mới có khả năng tiếp xúc với khổ đau và chuyển hóa khổ đau.” Chủ động tiếp xúc/tiêu thụ những thức ăn lành mạnh là vô cùng quan trọng. Bớt Facebook rồi chưa chắc đã an yên hơn, nhưng muốn an yên hơn chắc chắn phải bớt dùng Facebook nói riêng và các nền tảng mạng xã hội nói chung.

Thế đó, chỉ cần 3 bước đơn giản như thế và mình không còn thấy bản thân bị các nội dung trên Facebook lôi đi xềnh xệch nữa. Bạn vẫn có thể follow thêm những nội dung mà bạn mới khám phá ra, nhưng hãy chắc rằng nó thực sự đem lại giá trị tích cực. Đồng thời, có thể unfollow 1 trong số những nội dung (ở bước 1) để giữ cho newsfeed không trở nên lộn xộn và bát nháo.

Chúc bạn cai Facebook vui vẻ và thành công!

COMMENTS