5 điều thầm lặng ngăn mình viết blog

Mình có thói quen viết nhật ký hằng ngày và gần như coi đó là một nhu cầu. Nhưng đến khi bắt tay vào viết blog, mình nhận thấy quá trình viết không còn được tự nhiên và dễ dàng như thế. Ban đầu mình nghĩ rằng sẽ rất hay ho nếu có một nơi để lưu trữ các bài viết thật chỉnh chu, và điều đó sẽ khiến mình hứng thú. Thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Viết blog, trái với sự kỳ vọng, đem lại cho mình rất ít niềm vui. Đó gần như là sự đấu tranh của ý chí thì đúng hơn là sở thích. Blog được lập với số bài ra như nước nhỏ giọt trong nhiều tháng. Dần dần gần như không có bài mới, mình chán, rồi bỏ hoang luôn blog. Thời điểm đó mình không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Những trang nhật ký mình vẫn viết rất dạt dào, nhưng hễ viết cho blog thì mình lại thấy không thoải mái.

Cho đến bây giờ, khi dòng đời đưa đẩy mình làm công việc liên quan đến viết và bắt đầu viết blog trở lại, thì mình mới có dịp nhìn nhận lại rõ những lý do thầm lặng khiến việc viết blog hồi trước rất gượng gạo. Mình gọi chúng là 5 “cục đá” đã chắn ngang đường giữa mình và khả năng sáng tạo ra các bài viết.

Cục đá 1: Viết để làm cái gì, được gì không?

Kiếm tiền, làm porfolio để sau này xin việc, làm nhà văn, xuất bản sách? Mình đã bị vướng ngay vào câu hỏi này ngay trước khi bắt đầu. Mình cần một lý do, cần một mục đích cụ thể - Như tất cả mọi người vẫn thường dạy mình từ nhỏ cho đến lớn, rằng trước khi làm gì đó hãy đặt ra mục đích cho việc đấy. Đó là lý do não trái ngay lập tức xen vào để tính toán mọi thứ ngay khi ý niệm xây dựng blog xuất hiện. Có lẽ là để làm một cái porforlio. Với mục đích mình nghĩ là đã ổn đó, mình bắt đầu cố viết. Nhưng, viết porforlio thì những anh chị tuyển dụng sẽ đọc đó, nên phải viết cái gì hay ho, hoàn hảo, “hoành tá tràng” vào. Và bởi những tiêu chuẩn đó đã được dựng lên sẵn ngay trước khi bắt đầu, mình cảm thấy áp lực mỗi khi phải lựa chọn ý tưởng để lên bài. Sau cùng thì mình chẳng thấy ý tưởng nào đủ hay ho, hấp dẫn hay hoành tráng để viết. Nếu có, thì thực ra đó là ý tưởng hết sức miễn cưỡng, không tự nhiên và thậm chí là bản thân mình còn chẳng quan tâm mấy.

Thế đó, ba bữa là chán, mình bỏ ngang. Thực ra những người luôn quan trọng mục đích cũng có cái lý riêng, và đặt mục đích hoàn toàn không có gì là xấu. Chỉ là giờ mình nhận ra blog không cần thiết phải có mục đích, nếu như mục đích đó là của-người-khác chứ không xuất hiện trong đầu mình một cách tự nhiên. Có nhiều thứ trên đời này vẫn tồn tại mà chẳng cần trả lời câu hỏi “để làm gì?”. Với mình, viết nên bắt đầu đơn thuần từ sự ngẫu hứng và niềm vui. Niềm vui giản dị đến từ việc được nói hết lòng hết dạ những gì mình nghĩ, đến từ việc được sắp xếp, chơi đùa với con chữ để tạo ra câu cú, đoạn văn biểu đạt được thật gần điều mình cảm thấy. Sự vui vẻ nên đến từ lúc ĐANG viết, chứ đừng mơ về tương lai nào - Thế thì viết khó mà còn vui lắm.

Cục đá 2: Sự so sánh: Viết cần sâu sắc/hài hước như anh kia, chị nọ.

Dù là bất kì ai, trong bất kì lĩnh vực nào, cũng khó mà chống lại được cám dỗ của việc so sánh bản thân với người khác hòng tìm kiếm cảm giác nhẹ nhõm của việc mình đang làm đủ tốt. Chỉ là với các hoạt động sáng tạo, so sánh là con rắn tiết ra nọc độc mang tính hủy diệt hơn cả. Ban đầu, mình tìm hiểu và tham khảo những đàn anh, đàn chị là blogger lâu năm với ý định để xem người khác đang viết về cái gì, viết chúng ra sao, như kiểu khảo sát thị trường ấy mà. Nhưng rồi mình nhanh chóng rơi vào vòng luẩn quẩn quen thuộc của sự so sánh. Tham khảo thì ít, mà nghi ngờ thì vô cùng nhiều. Mình có thể viết được như anh này, chị nọ không? Hãy nhìn xem họ điêu luyện như thế nào với các con chữ. Góc nhìn của họ đầy thuyết phục, sâu sắc, thu hút. Câu cú ngắn gọn, sáng nghĩa. Từ ngữ chọn lọn, sắc sảo, toát được ý. Đọc thấy rất quyết đoán, đáng tin cậy. Mình viết được như thế không? Bởi nếu không thì mình chỉ nên tiếp tục viết nhật ký và giữ nó cho riêng mình. Nếu mình không viết được như những người anh, người chị này, thì sẽ chẳng ai đọc cả.

Nỗi nghi hoặc xuất phát từ sự so sánh đó cũng là thứ khiến mình cố gắng bắt chước cách hành văn của người khác. Không chỉ cách hành văn, mình còn có xu hướng viết loanh quanh một số chủ đề quen thuộc mà mình đọc được ở đâu đó trên mạng. Gần như mình chẳng còn hỏi tại sao, đơn giản là mình quá sợ phải viết điều gì đó không ai viết, không có gì để dựa vào. Viết blog thật nặng nhọc khi suốt ngày phải lo sợ về việc không có ai đọc, về việc không đủ tốt. Viết blog cũng chẳng vui, khi mình không cho phép cách viết riêng và trải nghiệm riêng của mình, chỉ mình thôi, được lên tiếng. Không dám biểu đạt sự nguyên bản chính là vấn đề lớn nhất mà mình nghĩ bất kì người viết nào cũng từng phải trải qua.

Cục đá 3: Một số trải nghiệm thì đáng để viết, một số thì không.

Điều này một phần là bị tác động bởi môi trường đại học mà mình theo học suốt 4 năm. Nơi đây có rất nhiều người giỏi giang, và người giỏi giang thì thích kể về những điều giỏi giang họ đã làm. Kiểu như, mình đã thi cuộc thi như thế nào để đạt giải, mình đã giành học bổng này ra sao, mình đã học được gì từ trải nghiệm (lớn lao nào đó) hay cuộc sống du học có gì. Đại loại là những điều như thế, không khó để hình dung. Mỗi lần bắt gặp các bài viết đó dù là ở một fanpage hay một đứa bạn, là một lần mình cảm giác mình không có gì đáng để kể ra, để viết xuống. Nếu nhìn nhận kĩ thì thực ra đây cũng chỉ là một biểu hiện của việc so sánh đã đề cập ở cục đá 2, tuy nhiên có phần vi tế hơn. Lúc này tư duy của mình thường cho rằng các trải nghiệm bình thường, ai-cũng-có thì không đáng để viết về. Và chỉ có một số  trải nghiệm hiếm hoi, to lớn hơn mới nên được kể ra. Cũng vì thế mà suốt một thời gian, mình đã cố gắng “bơm phồng” các sự kiện để chúng nghe có vẻ quan trọng hơn trong các bài viết.

Khi giải phóng được nỗi ám ảnh về việc phân biệt ý tưởng là đáng hay không đáng, thật dễ để các bài viết được tuôn trào. Giờ đây có ý tưởng là mình triển khai. Đơn giản là mình chẳng gán nhãn dãn cho cái gì là to tát hay vụn vặt nữa cả. Cứ viết những gì mình trải qua, những gì mình cảm nhận. Suy cho cùng thì trước khi bài viết đó có thể chia sẻ được điều gì đó cho ai khác, trước hết nó nên là sự-tự-mình tỉ tê, tâm sự.

Cục đá 4: Đã viết trên blog thì bài nào cũng phải truyền tải được một điều gì đó có ý nghĩa.

Viết blog là một việc mang tính nghiêm túc và đòi hỏi sự đầu tư. Các bài trên blog nên được trau chuốt cẩn thận, trong đó mỗi bài nên truyền tải được một điều gì đó cho người đọc. Mình đã từng giữ khư khư suy nghĩ đó đến mức mỗi lần viết bài trở nên căng thẳng. Đôi khi mình chỉ đơn thuần muốn viết linh tinh, nhưng rồi vẫn cố truyền tải cho được một thông điệp nào đó vào bài mặc cho việc nó không tự nhiên và khá sống sượng. Mình dần cảm thấy mình không đang viết thật, có phần bày biện nhiều hơn. Từ lúc nào không hay, mỗi bài viết giống như một bài tập làm văn mà mình đang cố ăn điểm ở những ý đúng. Càng bày biện, thì niềm vui càng biến mất. Đôi khi, mình còn không cảm thấy được sự gần gũi hay sự kết nối mạnh mẽ nên có giữa blog và chính mình. Mình đã nói cái gì đó không đúng để bài viết trở nên có ý nghĩa. Nói cái gì đó không đúng với cảm giác của mình.

Còn giờ thì, mình cho phép bản thân được hoàn toàn thoải mái ở đây, dẹp hết phán xét về logic, sự hoàn hảo, sự trau chuốt thái quá. Mình viết vì nhu cầu muốn được giãi bày, đôi khi là với người khác, đôi khi là với chính mình, và cảm giác nhẹ nhõm theo sau. Viết chỉ để viết, để cho vui vẻ tí nên chẳng phải lúc nào cũng cần đầu cần đuôi. Thiếu đi những bài viết nguyên sơ, tươi và vụng về tự nhiên như thế thì blog rất dễ có khi chỉ là một sự tô vẽ. Mình tin những bài viết không hoàn hảo không khiến blog bớt hay đi, mà chỉ làm blog giống mình hơn mà thôi - Một con người với đủ buồn, vui, hờn, giận, với đủ lúc khó hiểu, khi phi lý, cùng đủ cung bậc xuống lên. Nó cũng muôn màu muôn vẻ, cũng thật, cũng đang phát triển không ngừng như chính con người mình vậy.

Cục đá 5: Mình viết có đúng không? Người khác nghĩ gì về bài viết của mình

Không ít người trẻ sợ viết vì cho rằng sự non nớt trong suy nghĩ cùng việc thiếu trải nghiệm sống sẽ dẫn đến một bài viết nông cạn. Mình cũng từng như thế. Mình từng rất sợ viết ra điều bị coi là ngu xuẩn trong mắt “người lớn”, sợ bị chê bai và phán xét. Sợ rằng người khác sẽ không đồng ý với con chữ của mình. Thậm chí sợ những nhận định không đúng được đưa ra về con người mình qua cách mình viết. Nỗi sợ không được đồng tình và chấp nhận khiến mình rất cẩn trọng trong ngôn từ và lập luận. Việc cố gắng viết một bài “có vẻ sâu sắc” là quá trình không mấy dễ chịu. Nó chẳng khác gì một nỗ lực tinh vi nhằm xin xỏ sự chấp nhận của người khác. Không còn nhiều tự do, nếu lấy sự ủng hộ làm lẽ viết. Viết xuất phát từ nỗi sợ chứ không phải từ tình yêu, thì gần như chẳng còn niềm vui nào nữa.

Mình sẽ không nói rằng bây giờ mình chẳng quan tâm những gì người khác nghĩ nữa - Ai nói như vậy chắc là đang nói dối thôi. Mình không nói rằng mình sẽ không buồn nếu có ai chê mình viết dở, chê mình viết thiếu chiều sâu. Vẫn sẽ buồn chứ. Chắc chắn có buồn. Buồn nhiều là đàng khác. Nhưng giờ đây mình chào đón nỗi buồn đó như một phần không thể tránh. Đôi khi, điều quan trọng nhất là đủ tự do và can đảm để hoàn toàn trung thực với suy nghĩ và cảm nhận của bản thân, mặc cho chúng chẳng hề “đúng” hay "đặc biệt" với người khác.

Vậy đó, 5 cục đá trên chắc là 5 cục đá to nhất mà mình tìm thấy đến thời điểm này rồi. Với mình, hành trình viết cũng chính là hành trình khám phá và chữa lành nhiều vết thương luôn có sẵn trong tiềm thức. Như những vết thương nằm rải rác trong 5 cục đá chắn đường kia chẳng hạn.

Sau cùng thì câu hỏi không phải là “Viết sao cho ấn tượng nhất?”, mà là “Viết sao cho đúng là mình nhất?”. Người ta chỉ có thể viết ấn tượng trong vài bài vài bữa, nhưng viết cho đúng chính mình và cho mình thì cứ thế có thể viết được cả đời. Hành trình còn dài, nỗi sợ vẫn còn nhiều. Mong cho mỗi người viết, càng viết thì càng thấu hiểu những niềm đau đang vô thức ngăn cản dòng sáng tạo, cảm nhận được nhiều hơn tình yêu và nắm lấy sức mạnh giải phóng bản thân nằm trong con chữ.

Vì mình tin, viết luôn là cách tuyệt vời để hiểu - thương - và chữa lành.