6 điều mình học được sau 6 tháng làm việc tại agency quảng cáo

Từ một đứa chỉ biết nghề viết là viết thôi, thì sau khi làm việc tại agency quảng cáo trong 6 tháng với vai trò là một content writer, mình nhận ra trong việc viết có nhiều thứ mà mình chưa biết hoặc từng hiểu sai. Dưới đây là 6 bài học nhỏ mà mình học được sau quãng thời gian trải nghiệm việc viết-như-một-cái-nghề.

1. Viết không nhất thiết phải có cảm xúc hay sự mơ mộng

Mình từng tin rằng viết là một công việc sáng tạo, mang tính nghệ thuật, và người viết cần tâm hồn đa cảm, bay bổng để có thể viết hay, lay động lòng người. Mình từng cảm thấy rất khó để viết về một chủ đề khô khan, không đem lại cho bản thân chút cảm xúc gì. Nhưng thực ra, viết giống công việc thủ công hơn là sự bột phát và ngẫu hứng. Người viết giống như thợ thủ công hơn là người nghệ sĩ. Để xây dựng được một bài viết hoàn chỉnh, bạn cũng cần đi theo từng bước cẩn thận từ xây dàn bài, viết bản draft, sau đó chỉnh sửa và biên tập lại tỉ mỉ để câu văn trôi chảy và nội dung lôi cuốn hơn.

Thực tế, viết mang tính kỹ thuật nhiều hơn là nghệ thuật. Và do đó, bạn không nhất thiết phải có tâm hồn nhạy cảm hay sở hữu năng khiếu bẩm sinh để viết. Khi không còn bị phụ thuộc vào cảm xúc, bạn có thể viết được nhiều hơn, về nhiều chủ đề hơn, vào bất kỳ lúc nào bạn “quyết định” viết. Người viết không ngồi một chỗ và chờ đợi cảm hứng trào dâng. Đương nhiên, tâm hồn nhạy cảm thực sự là một món quà giúp người viết dễ dàng thăng hoa và chạm đến trái tim người đọc, nhưng đó không phải là điều kiện cần. Cảm xúc là thứ gia vị đắt, nhưng nó không phải là gia vị bắt buộc khi viết.

2. Hãy viết đơn giản, dễ hiểu và rõ ràng

Mình từng nghĩ người dùng ngòi bút làm cần câu cơm cần phải chứng tỏ trình độ tiếng Việt xuất sắc với việc sử dụng nhiều từ hiếm và câu cú phức tạp. Nhưng suy cho cùng, viết là chỉ một trong nhiều công cụ để truyền đạt suy nghĩ, ý tưởng, cảm xúc, đôi khi là cho chính mình, đôi khi là cho người khác. Vậy thì để truyền đạt hiểu quả, tốt nhất hãy học cách viết đơn giản, dễ hiểu và rõ ràng với người đọc nhất có thể. Không nhất thiết phải đánh đố người đọc với câu từ khó hiểu, chứa nhiều ẩn ý và lớp nghĩa.

Mình nhận ra, viết đơn giản không có nghĩa là viết cụt lủn, càng không phải là viết nhàm chán. Ví dụ như cách viết của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Sư Ông có lối hành văn rất gần gũi với từ ngữ dễ hiểu và  bình dân, trẻ con hay người già đọc đều có thể hiểu ngay lập tức. Chính sự giản đơn, mộc mạc và chân thành trong cách viết, Sư Ông đã đưa đến cho người đọc một đạo Phật thật đời, thật dễ dàng để tiếp thu cho người đọc ở mọi độ tuổi và thuộc mọi tôn giáo (hoặc không theo tôn giáo nào). Thực ra, viết đơn giản không hề dễ bởi nó đòi hỏi ở bạn lối tư duy gọn gàng, rành mạch với sự thấu hiểu vấn đề cặn kẽ. Thường thì chúng ta phải luyện viết rất nhiều, trải nghiệm cuộc sống rất sâu để có thể học được nghệ thuật tinh giản trong viết lách.

3. Viết đi rồi bạn sẽ yêu viết hơn, chứ không phải yêu viết rồi mới viết

Ngay từ đầu mình không tìm thấy niềm yêu thích đặc biệt với viết. Mình có viết, nhưng để nói là khi rảnh rỗi mình sẽ chọn viết hay đi chơi, xem phim, youtube, facebook,... thì mình sẽ chọn những hoạt động giải trí. Mình từng nghĩ chắc do mình không thích viết quá nhiều. Nhưng giờ nhìn lại thì có lẽ không phải là do mình không thích viết lắm, chỉ là do mình lười thôi. Nếu như tình yêu giữa 2 người được vun vén, bồi đắp khi cả 2 dành thời gian cho nhau, thì mối quan hệ của bạn với viết lách cũng tương tự như vậy. Không phải là yêu rồi mới quen, mà quen rồi mới yêu. Không phải bạn yêu viết rồi mới viết, mà hãy cứ viết đi rồi bạn sẽ yêu nó.

Câu nói “đam mê cũng cần được nuôi dưỡng" nghe thì có vẻ self-help nhưng lại rất đúng. Hoạt động bạn thường làm một cách thoải mái trong thời gian rảnh đôi khi lại chính là đáp án cho câu hỏi “tôi muốn gì?”. Tất cả những gì nó cần là sự nuôi dưỡng có ý thức để “lớn” dần lên và sau cùng là trở thành một con đường dành riêng cho bạn. Nếu bạn thường viết nhật ký, note linh tinh ở đâu đó,… một cách rất tự nhiên, thì có lẽ bạn nên thử cho viết nhiều thời gian hơn một chút, có chủ ý hơn một chút. Biết đâu bạn sẽ nhận ra mình “từ thích thích thành yêu yêu rồi thương thương” viết lách luôn thì sao?

4. Ai cũng có thể tạo ra chữ, nhưng không phải ai cũng tạo ra ý

Bất kỳ ai cũng có thể viết, nhiều và dài, nhưng viết dài không đồng nghĩa với viết có ý. Quãng thời gian đi làm content ở agency giúp mình nhận ra, viết xong bài thì rất dễ và rất nhanh, nhưng viết sao cho có ý tưởng (kể cả là hay ho hay dở hơi) mới là cái khó và mới là thứ khiến việc viết “đau não”. Nếu bạn thắc mắc tại sao chỉ có một bài Facebook ngắn tầm 200 từ thôi mà cũng phải mất cả buổi sáng để viết, thì chính xác người ta không mất cả buổi sáng để viết đâu. Người ta chỉ mất 30 phút để viết sau khi dành phần lớn thời gian để nghĩ ra ý tưởng cho bài viết đó. Người viết rất ít khi chậm deadline bởi vì kiểu gì họ cũng sẽ viết ra chữ để nộp lại cho kịp, nhưng có viết ra ý hay không mới là điều đáng bận tâm.

Giữa quá nhiều thông tin đổ vào đầu, chỉ những gì “có ý” mới đọng lại lâu. Nhạc Trịnh vượt thời gian, khiến người ta nghe mãi đâu phải là vì giai điệu, mà vì những ý nghĩa thâm sâu giàu sự chiêm nghiệm về cuộc đời, cái sống, sự chết,... trong lời bài hát. Nếu bạn để ý kỹ, thì nhiều bài hát bây giờ chỉ có chữ chứ không có ý, nghe thì bắt tai nhưng cũng rất dễ quên. Có lẽ ý tưởng mới là thứ quan trọng hết thảy, vì kĩ năng thì ai cũng có thể học. Thiếu đi ý, bài viết sẽ trở nên sáo rỗng và vô hồn.

5. Viết trong công việc không phải để thỏa mãn cái tôi

Khi đọc quyển sách “Ý tưởng này là của chúng mình”, mình đã góp nhặt được một ý hữu ích để bổ sung vào mindset làm nghề. Ấy là kể cả bạn có thích viết, thì khi đã dấn vào nghề viết theo đơn đặt hàng, viết trong công việc vẫn là công việc. Sẽ có nhiều lúc mệt mỏi, chán chường, ức chế và khó chịu như trong bất kỳ công việc nào khác. Bạn sẽ gặp nhiều chủ đề mà mình không có cảm xúc, không có hứng, không quan tâm. Sẽ có nhiều lúc bạn không thích sửa theo ý của sếp hay của khách. Nhưng trong công việc, điều quan trọng nhất của bài viết là được “duyệt", không phải là việc hay hay dở.

Giờ đây, mình đã học được cách nhìn nhận nghề viết theo hướng thực tế hơn, thay vì nghĩ nó là thứ phục vụ nhu cầu sở thích. Khi làm nghề, viết không phải để thỏa mãn cái tôi hay khẳng định cá tính. Hãy hết mình khi làm nhưng đồng thời hãy chuẩn bị tinh thần sửa lại (hết) khi được yêu cầu. Nếu cảm thấy yêu cầu sửa là không hợp lý, bạn cũng cần trao đổi dựa trên lý luận có cơ sở chứ không thể chỉ dựa vào cảm tính.

6. Người viết nên có góc viết riêng dành cho chính mình

Đó là một nơi không phải để phục vụ công việc hay làm hài lòng người khác. Người thực sự muốn giữ lửa với con chữ cần tự nuông chiều cái tôi với các dự án viết cá nhân như blog, fanpage hay vài trang nhật ký,... Bởi vì khi viết cho thương hiệu, theo phân công của sếp, theo feedback của khách hàng như một chú thợ máy móc, bạn sẽ khó cảm nhận được niềm vui tươi nguyên mà viết đem lại. Lòng nhiệt tình và niềm yêu viết sẽ sớm bị bào mòn bởi những những lần phải ngược xuôi sửa bài theo yêu cầu của người khác.

Hãy cho bản thân không gian để tự tâm tình, tự sáng tạo, tự tận hưởng những dòng cảm xúc và suy nghĩ trinh nguyên, trọn vẹn, không quan trọng đúng hay sai. Sau mỗi lần tận hưởng như thế, bạn lại được khơi thông đầu óc và được tiếp thêm tình yêu với con chữ. Công việc sẽ đến rồi đi, hãy đảm bảo tình yêu viết lách vẫn còn ở lại, say đắm như ngày đầu.

6 tháng không phải là quãng thời gian dài nhưng cũng đủ để mình thu lượm được 6 điều bỏ túi như trên. Cũng đủ để mình nhận ra viết là làn đường mình muốn đi trên đại lộ Marketing rộng lớn. Còn nhiều điều để học, và sau 6 tháng nữa, không biết chúng sẽ là gì?