[Cảm sách] Thương nhớ Đồng Văn - "Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn..."

Vốn là người thích xê dịch và sự thay đổi, tôi rất hay tìm đọc sách du ký, từ "Quá trẻ để chết", "Chân đi không mỏi" của Đinh Hằng đến "Con đường hồi giáo", "Tôi là một con lừa" của Nguyễn Phương Mai, từ "Một mình ở Châu Âu" của Phan Việt đến "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chíp. Kể ra giá sách của tôi có không ít hơn 10 quyển về chủ đề xê dịch khám phá, hầu như đều là du ký của các tác giả nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ biết đến. Bên cạnh những đầu sách nổi như cồn ấy, "Thương nhớ Đồng Văn" của Thủy Trần lại kể về những câu chuyện trên đường có phần lặng lẽ, khiêm nhường. Không ồn ào, khoa trương. Không náo nhiệt, kịch tính hay bốc đồng, sôi nổi. Nhẹ nhàng như lời thì thầm, tâm sự, "Thương nhớ Đồng Văn" cứ bình dị, yên ả chảy trước mắt người đọc, đủ nhiều để tôi thấy một Hà Giang lãng mạn, nên thơ hiện ra trước mắt.

Hành trình của Thủy Trần là một hành trình thú vị. Năm 2006, chị lần đầu tiên đặt chân đến Hà Giang. Chút cảm tình đầu tiên với mảnh đất địa đầu Tổ quốc đã thúc đẩy chị quay lại nơi đó vào đúng dịp Tết năm 2008. Kể từ đó trở đi, tác giả không đếm xem bao nhiêu lần mình đã quay lại Hà Giang nữa. Tôi có cảm tưởng như chị còn thông thạo Hà Giang hơn người trong tỉnh. Bắt đầu là cao nguyên Đồng Văn với phiên chợ nhộn nhịp sắc màu, tạt qua Phố Cáo dự đám cưới người Mông rồi xem nhà người ta làm đậu phụ. Sủng Là lại là nơi chị ngắm nhìn người con gái H'Mông đứng dưới gốc hồng trơ khấc với đôi mắt xa xăm tìm kiếm, Phó Bảng lại là nơi chị "ngồi như bị thôi miên trước cửa một căn nhà cổ ngay đầu phố chợ". Rồi những chiều quan tái trên đèo Mã Pì Lèng với dòng Nho Quế lặng lẽ chảy ngay dưới chân, rồi Sáng Pá, Xíu Mần, rồi Yên Minh, Quản Bạ. Đi về xuôi rồi lại lên miền ngược, dường như Thủy Trần không chán nổi mảnh đất miền biên thùy ấy. Thậm chí, chị cũng đã tự hỏi Hà Giang có gì đâu, ngoài những cánh đồng tam giác mạch, sao năm nào chị cũng "thèm như cây khô", năm nào cũng"hối hả, vội vàng, cuống quít" lên Hà Giang không biết nhiêu lần...

Đọc "Thương nhớ Đồng Văn", có lẽ những ai có dịp đến thăm miền đất xa xôi ấy đều bắt gặp vài hình ảnh quen thuộc, bắt gặp vài cảm xúc không tên, bắt gặp chính mình trên con đường Thủy Trần đã đi. Thủy Trần không đi chỉ để "cưỡi ngựa xem hoa", không đi để cho biết, không đi chỉ để ngắm nhìn rồi xuýt xoa khen ngợi. Chị thực sự đã gặp gỡ, đã trò chuyện, đã sống với người dân địa phương, ăn những món họ ăn và chơi những trò họ chơi dịp Tết. Chị xuống chợ từ sớm như người ta, chị ghé vào nhấp chén rượu ngô bên đường như mấy gã người Mông dừng xe kiếm bạn rượu. Cảnh vật vẫn vậy, con người vùng cao vẫn bận rộn với nương rẫy, mọi thứ vẫn dung dị và lặp lại một cách quen thuộc từ đầu đến cuối cuốn sách, ấy thế mà tác giả mãi không ngăn được sự rung động, nhớ nhung. Chị đã lỡ yêu Hà Giang như thế.

Có một điều tôi cần nói trước, "Thương nhớ Đồng Văn" không phải quyển sách cho người thích cao trào, kịch tính, càng không phải cuốn sách dành cho những ai kỳ vọng vào một câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn trên đường. Bạn sẽ đọc "Thương nhớ Đồng Văn", bạn sẽ háo hức như đang ngồi sau chiếc xe máy của tác giả trên đèo, sẽ thấy thật bình yên, giản dị khi bắt gặp đám trẻ đi bộ bên đường với váy áo màu sắc, và đôi khi đâu đó, sẽ gật gù buồn ngủ tự hỏi tại sao chỉ có mỗi Hà Giang thôi mà viết được thành một cuốn sách. Nhưng rồi cũng vì thế, bạn nhận ra, Hà Giang trong tim Thủy Trần có gì đó hơn cả một bầu trời thương nhớ. Bạn nhận ra, đâu cần dạo quanh Châu Âu hay trở thành Giám đốc để kể cho mọi người về những điều bạn từng trải qua, về những người bạn gặp, về cảm xúc tận sâu bạn có. Và thì, hãy cứ lên đường mà yêu lấy một miền đất nhỏ như Thủy Trần đã yêu, hãy cứ sống hết mình và say đắm trong những khoảnh khắc đời thường bạn thấy. Không có gì là nhỏ nhặt khi tâm hồn đủ nhạy cảm và đủ quan tâm. Cho dù đi đâu, hãy đi cùng trái tim mình!