[Cảm phim] A Taxi Driver (2017) – Quá nhiều bài học trong một cuốc xe!

A Taxi Driver (2017) là một bộ phim mình được giới thiệu. Và sau khi xem trailer thì mình lập tức xem hết phim một cái vèo.

Phim kể về hành trình tại Gwangju vào năm 1980 của người đàn ông làm nghề tài xế taxi tên Kim Man Seob cùng nhà báo người Đức – Peter, bất chấp những săn lùng và đe dọa vũ lực đến từ bên quân đội. Phim kể theo trình tự tuyến tính, không plot twist, nội dung cũng dễ đoán, nhưng với mình, phim vẫn đem đến một trải nghiệm cảm xúc đáng nhớ.

Khi thắng lợi phi thường được tạo nên bởi sự hi sinh của những con người bình thường

Trong phim, ai cũng bình thường: người lái taxi, sinh viên đại học, người dân địa phương,… Nhưng cùng nhau, họ phi thường. Peter và Man Seob có thể đem những thước phim tại Gwangju về Seoul yên bình là nhờ trên suốt hành trình họ đã nhận được rất nhiều sự bảo vệ, giúp đỡ của người dân, và thậm chí là của một kẻ bên kia chiến tuyến. Không ai sinh ra là anh hùng rồi đi giải cứu thế giới, tất cả chỉ là người bình thường với những lo toan đời thường, đấu tranh cho những quyền lợi đương nhiên mà con người nên có. Cùng nhau, họ làm nên lịch sử. Những cái chết của người vô tội và vô danh, xét trong khuôn khổ sự kiện, là không vô nghĩa. Chúng tiếp thêm sức mạnh cho những người ở lại để họ chiến đấu đến cùng vì nền dân chủ.

Những nhân vật rất đời được thể hiện tinh tế

Từng ánh mắt và hành động nhỏ đều thể hiện tốt nội tâm của từng nhân vật trong phim. Như Peter với gương mặt điềm tĩnh nhưng đâu đó vẫn thấy ở ông những lo lắng, hoang mang, đôi khi là nỗi buồn hoặc điều gì như là chán chường, không muốn chấp nhặt, chỉ muốn tập trung vào nhiệm vụ của mình ở Gwangju. Man Seob hài hước, lạc quan, yêu đời, rõ là không ưa lắm tên người Đức nhưng được cái vô tư, và trong sâu thẳm, ông vẫn quý mến Peter. Hay chàng sinh viên Jae Sik hồ hởi mang trong mình cái nhiệt tình và hiểu biết cấp tiến của người trẻ. Đến ông chú Tae Sool dân dã, thật thà mà cũng tế nhị khi rất để ý câu từ vì không muốn làm buồn lòng người khác. Và cả những tài xế taxi với sự lởi xởi, thẳng tính vốn có, phảng phất nét trượng nghĩa của những kẻ đã đi nhiều, trải nhiều.

Dù ai cũng có gia đình và những mối lo riêng, họ vẫn chọn cống hiến cho sứ mệnh lớn hơn bản thân: giành lại nền dân chủ. Ở họ, mình vừa thấy cái gì đó rất người, lại vừa thấy cái gì đó rất anh hùng. Có lẽ chất người, chất đời trong mỗi nhân vật khiến cho sự hi sinh của họ trở nên xúc động, chân thật và chạm hơn rất nhiều.

Bài học về nguyên tắc nghề nghiệp

Khi làm nghề y, người ta phải nhớ lời thề Hippocrates. Còn khi nói sang đạo đức nghề nghiệp của những nghề khác có lẽ sẽ dễ bị coi là nâng cao quan điểm. Như trong marketing, ranh giới giữa việc truyền tải sự thật một cách thu hút và duyên dáng với việc bịa thêm, nói quá về sản phẩm đôi khi là rất mong manh, nên nhem nhém xí xóa xù xuề thì vẫn là huề. Thế nhưng trong phim, cánh tài xế taxi lại là những người rất tôn trọng những nguyên tắc đạo đức trong nghề nghiệp, và nó khiến mình thấy xúc động. Kiểu như, đã nhận tiền taxi thì không bao giờ bỏ khách hay đã đưa khách đến nơi thì phải đưa về đến chốn như thỏa thuận. Họ tuy làm chẳng đủ ăn nhưng luôn tôn trọng và đặt những nguyên tắc làm nghề lên trên tiền bạc, vật chất.

Đương nhiên Kim Man Seob có thể chở Peter đến Gwangju rồi quay về mà không nhận tiền, chỉ vì ở đó quá nguy hiểm. Xét theo nguyên tắc nghề thì cũng không có gì sai. Nhưng ở đây, giữa hai người đã dần hình thành tình đồng chí. Dù sao thì họ cũng đồng hành với nhau ngay từ đầu, cùng thấy thương xót cho người dân Gwangju, cùng bất bình trước bọn độc tài. Hơn cả là (tình cờ) Man Seob tự cảm thấy mình có chung sứ mệnh với Peter: đưa cuộn phim phóng sự ra ánh sáng. Chính tình đồng chí đã truyền can đảm cho Man Seob vượt qua rất nhiều đấu tranh tư tưởng, rất nhiều lo sợ, để sau cùng ông vẫn chọn giúp Peter.

Ngẫm một chút về tiền

Mặc dù tiền không phải là chủ đề của phim, nhưng mình để ý kĩ, ban đầu 2 nhân vật chính: Man Seob và Peter đều làm việc vì tiền. Man Seob cần 100.000 won gấp để trả tiền thuê nhà, còn Peter muốn đến Gwangju đầu tiên để quay thước phim chưa ai quay được – thước phim giá trị nhất. Cả hai đều có động lực rất thực tế, chẳng ai muốn hy sinh hay làm người vĩ đại. Chỉ sau khi đồng hành cùng người dân Gwangju, trong họ mới dần cảm thấy việc đưa cuộn phim về Seoul là một trọng trách vượt lên trên tiền bạc. Đó là trọng trách của tình thương, tình người, tình đồng bào, tình đồng chí.

Điều này cho mình thêm một góc nhìn thú vị về tiền: Tiền thực sự là động lực mạnh mẽ đầu tiên thôi thúc chúng ta hành động, hơn bất kì điều gì khác. Khi người ta mải nói về việc hãy làm việc vì niềm vui, thì chúng ta dễ cho rằng làm việc vì tiền là không mấy tích cực. Thế nhưng, rõ ràng tiền cho chúng ta can đảm để đi ra khỏi vùng thoải mái. Để rồi sau khi được trải nghiệm thực tế chán chê, ta mới học được những bài học quý giá mà sau cùng, lại chẳng liên quan gì đến tiền.

Nói sự thật là cứu thế giới

Trong chế độ độc tài nơi những ai nói sự thật đều bị bịt miệng, thì TV và báo chí là nơi sự thật bị bóp méo. Chúng ta biết tin giả có thể thao túng số đông, định hướng sai dư luận như thế nào. Nhưng ¼ hay ½ sự thật cũng thế. Ví dụ cả hai tin: 50 người dân thiệt mạng hay 5 người lính thiệt mạng đều là sự thật, nhưng báo chí chọn cái nào để đưa cũng đã đủ để định hướng sai. Ngay cả khi họ đưa đầy đủ số liệu, thì cách kể chuyện, cách dùng từ cũng đủ để khiến chúng ta hiểu lầm hoàn toàn sự việc. Phim nhắc nhẹ chúng ta đừng tin 100% những gì bạn đọc hay nghe được. Đồng thời, phim cho thấy vai trò của phóng viên trong các sự kiện trên thế giới. Họ tuy không có gươm đao súng ống nhưng nắm trong tay quyền lực mềm có tác động mưa dầm thấm lâu vào tâm trí số đông – và điều này đôi khi còn đáng sợ hơn cả vũ khí.

Peter không lao vào và cố gắng thay đổi tình huống, mà là đơn giản chứng kiến, ghi lại sự thật và để sự thật được lên tiếng. Cũng thế, chúng ta không cần siêu năng lực như của các siêu anh hùng. Đôi khi chỉ cần làm sứ giả của sự thật là đủ để cứu thế giới.

Nói chung

A Taxi Driver là một bộ phim khá cảm động, sẽ khiến nhiều người khó kìm được nước mắt. Đây cũng là một bộ phim đáng xem bởi tính lịch sử của nó. Vào năm 1980 khi phong trào dân chủ Gwangju diễn ra, người lái taxi nọ và phóng viên Peter đã thực sự đồng hành với nhau tại Gwangju. Qua phim, mình hiểu hơn về một giai đoạn tăm tối của Hàn Quốc khi tính tàn khốc của sự kiện đã được tái hiện đầy bi thương và hỗn loạn.

Mặt khác, mình tự thấy phim vẫn còn sạn, như những pha thoát chết phi thường đến phi lý khiến bạn phải bĩu môi “diễn viên chính có khác”. Hoặc đôi khi, phim bị Hollywood hóa bằng những màn rượt đuổi kịch tính cùng màn đua xe khá rập khuôn. Nhưng không sao, trên tất cả, bạn vẫn sẽ thấy hồi hộp, vẫn thấy đồng cảm với nhân vật, và vẫn thấy phim cuốn hút xuyên suốt hơn 2 giờ đồng hồ.

Nói tóm lại, đây là bộ phim mà một khi đã biết, bạn không nên bỏ lỡ!