[Cảm phim] Me Before You – Cứ yêu, dù sao đi nữa

*Cảnh báo: spoil hết phim

Mình đã xem Me Before You vào mấy năm trước nhưng không xem hết nổi. Mình vốn không mặn mà nhiều với những bộ phim tâm lý tình cảm. Rồi chẳng hiểu thế nào, khi xem lại trailer phim trên youtube để rồi vô tình đọc được dòng bình luận “love cannot solve everything”, mình bỗng thấy tò mò về phim. Mình đã nghĩ Me Before You sẽ kể về chuyện tình cao thượng cực “cliché” giữa cô gái trẻ ngây thơ với chàng trai giàu có không may phải ngồi xe lăn cả đời. Hai người hẳn sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn hay định kiến để ở bên nhau. Nếu không phải là một happy ending thì phim sẽ kết thúc với cảnh chia ly bi đát (đúng một phần thôi). Mình đã lầm! Me Before You không có kịch bản rập khuôn và dễ đoán như vậy.

Hơn cả một câu chuyện tình…

Khi nói đến Me Before You, người ta sẽ nói về tình yêu đầu tiên. Nhưng bên cạnh tình yêu, phim còn nhẹ nhàng nhắc nhở người xem về vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi cá nhân, kể cả khi cá nhân đó đã trưởng thành.

Cả 2 nhân vật chính, Lou và Will, đều có gia đình rất chuẩn mực. Mỗi gia đình đều hòa thuận, tôn trọng, lắng nghe nhau. Mẹ Lou thì luôn cổ vũ con và chồng, chị gái Lou luôn tâm sự cùng cô và ủng hộ cô hết mực. Bố Lou thì rất tâm lý và sẵn sàng ngồi cho cô lời khuyên thấu đáo vào lúc cô tuyệt vọng lúc gần cuối phim. Gia đình đồng hành cùng Lou qua nhiều giai đoạn mong manh khi cô thất nghiệp hoặc yếu đuối, và bản tính lạc quan Lou có được hẳn đã được nuôi dưỡng từ sự ủng hộ của bố, mẹ và chị gái mình.

Nhưng đáng nói nhất chính là bố mẹ Will. Họ không được khắc họa chi tiết trong phim, nhưng mình tin ai cũng thấy ấn tượng với sự cao thượng của họ. Sự cao thượng không đến từ việc chu cấp hay tìm người chăm nom Will mà nó đến từ khả năng tôn trọng và chấp nhận quyết định của con trai mình. Will đã cho bản thân và bố mẹ thêm 6 tháng trước khi thực hiện quyết định quyên sinh. Hãy tưởng tượng xem bậc làm cha làm mẹ bình thường sẽ thấy khủng khiếp và hoảng loạn như thế nào khi biết con họ muốn kết thúc cuộc đời? Dù lý do có là gì cũng thật khó để cảm thông cho quyết định đó. Huống hồ gì đây còn là con mình! Phải rồi, họ rất đau. Nhưng trên hết, bố mẹ Will hiểu con trai đã phải trải qua bao nhiêu nỗi đau và giằng xé để đi đến lựa chọn cuối. Họ đau nhưng mặt khác không ép buộc Will tiếp tục sống theo kiểu “mày có thương bố mẹ không?” như nhiều bậc cha mẹ Việt Nam vẫn thường làm để áp đặt con cái. Trong tình trạng của Will, có lẽ việc ép anh phải tiếp tục ngồi và thở trên chiếc xe lăn là điều quá ích kỉ.

Nhân vật Lou rất đáng để học tập!

Lou là một nhân vật rất hay ho. Cô ngây thơ, trong sáng, có gu thời trang cực độc lạ với đủ màu sắc sặc sỡ. Phong cách quần áo của Lou cũng là tín hiệu thể hiện tính cách siêu lạc quan, yêu đời của cô. Lou tích cực đến mức ngay cả khi cô phải ở cạnh một kẻ tiêu cực có xu hướng chán đời như Will thì ánh sáng lạc quan của cô vẫn không bị dập tắt. Điều đó đòi hỏi sự vững vàng, tình yêu đời, tình thương người và can đảm rất lớn. Cứ thử so với mình thì biết. Đôi khi chỉ vì một ánh mắt nghi kị hoặc biểu cảm khó hiểu của người khác mà mình dễ dàng tụt mood rồi quay sang tự vấn và lạc vào suy diễn. Khi người khác khó chịu, mình dễ dàng bị sự khó chịu đó kéo sập xuống cùng. Lou thì khác. Không những không bị kéo xuống, cô còn thấu hiểu được nỗi đau của người đang “khó ở” và thấy thương được họ. Với tình thương đó, cô dùng năng lượng của mình để kéo họ lên. Nỗ lực của Lou thỉnh thoảng khiến Will bật cười thành tiếng hoặc vẫn cau có như thường. Song Lou không bao giờ để tâm trạng của Will ảnh hưởng tới bản thân. Không dễ để làm được điều này chút nào đâu. Với mình, Lou là một nhân vật rất đáng để học tập!

Lou có năng lực tự tin thượng thừa khi dám diện những bộ quần áo kì quặc nhất

Lựa chọn của Will và đôi lời về ý nghĩa

Mình hiểu lựa chọn của Will. Còn nhớ khi đọc trong quyển sách nào đó, người ta có bàn về việc bác sĩ có nên "trợ tử" bệnh nhân của họ khi được bệnh nhân yêu cầu hay không. Theo wiki, trợ tử hay tự tử được trợ giúp (assisted suicide) là việc tự sát được cam kết bởi người nào đó với sự trợ giúp từ những người khác. Khác với an tử (bệnh nhân thường ở trong tình trạng đau đớn nặng nề), trợ tử là hành vi giúp một người ra đi khi họ vẫn đang tỉnh táo và đầy đủ về mặt nhận thức. Bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn trợ tử khi được yêu cầu và khi chính họ cũng thừa nhận rằng việc kéo dài sự sống cho bệnh nhân không còn đem lại “ý nghĩa” cho chính người bệnh. Ví dụ như khi một người sống đời thực vật, cuộc đời đó sẽ không còn ý nghĩa và việc kéo dài sự sống đôi khi chỉ là ý của người thân chứ không phải của bệnh nhân. Hoặc khi người nghệ sĩ không còn đôi tay để chơi đàn – đam mê lớn nhất đời, họ sẽ coi như bản thể của mình đã bị thiêu rụi. Tinh chất cuộc sống – Essence of life đã bị rút sạch vào giây phút họ mãi mãi mất đi khả năng làm điều mình yêu. Người ngoài dễ dàng phán xét và đòi hỏi họ tiếp tục sống vì “còn nhiều điều khác để làm mà”. Song chỉ người trong cuộc mới là kẻ phải chịu đựng nỗi đau, cảm giác bất lực và sự vô nghĩa.

Trường hợp của Will cũng vậy. Anh liệt tay chân hoàn toàn, dù bộ não vẫn minh mẫn. Will đã từng là người đàn ông giàu có, phong độ, lấy ánh nhìn của các cô gái trên đường phố Paris làm niềm kiêu hãnh. Anh đam mê các hoạt động thể chất, phiêu lưu: Anh yêu chúng điên dại. Như khi Lou ngồi bên giường và hỏi anh đã yêu điều gì điên cuồng như cách cô yêu chiếc kẹp tóc và quần tất ong nghệ có sọc đen vàng hồi bé chưa, thì Will im lặng rồi đáp “yes, I did ”. Ngồi xe lăn cả đời đồng nghĩa việc Will đã chết ở bên trong rồi. Dẫu gia đình giàu sụ, được bố mẹ hỗ trợ, thậm chí nảy nở tình cảm với Lou, Will vẫn không tìm được cho mình lý do để sống. Hơn cả việc mất đi chức năng cơ thể, đó là sự đánh mất niềm vui, ý nghĩa sống, lòng tự tôn và khả năng được làm chủ cuộc đời. Will không còn lại gì ngoài sự bất lực tận cùng của một người đàn ông trước người phụ nữ mình yêu, trước những đam mê tuổi trẻ táo bạo. Nó đau đớn khủng khiếp lắm. Nghĩ thôi cũng thấy đau, thấy ngộp thở. Ừ thì thật khó để thông cảm cho bất kì ai chọn cái chết, nhưng thử nghĩ kĩ rồi, ta lại thấy thật khó để không cảm thông cho họ.

Kết quả hay quá trình?

Lou có nói “but it was him before me” – trước khi biết Lou, Will muốn chết. Nhưng giờ có Lou rồi, anh phải sống mới đúng! Lou không cam tâm để Will quyên sinh. Cô tha thiết hy vọng 6 tháng chăm sóc Will sẽ thay đổi quyết định cuối cùng. Thật buồn là me before you hay me after you, Will vẫn không thay đổi quyết định. Dẫu kết quả không thay đổi, mình tin quá trình 6 tháng đồng hành cùng nhau đều tạo nên đổi thay sâu sắc ở bên trong mỗi người.

Bố Lou có tâm sự với con:

- “You can’t change who people are”
- “Then what can I do?”
- “You love them”

Người ta cứ cố thay đổi nhau dưới danh nghĩa của tình yêu thương, song tình yêu thương thực sự là ban đi mà không kèm theo điều kiện. Với yêu thương đích thực, con người sẽ tự chuyển hóa. Trong Me Before You, sự chuyển hóa nằm ở quá trình. Nhờ có Lou, Will đã biết cười, biết vui, biết yêu và biết tận hưởng cuộc sống một lần nữa. Nhờ có Will, Lou được truyền sức mạnh để sống dũng cảm – “live boldly”, sống cho mình thay vì chỉ lo kiếm tiền để trợ cấp cho gia đình. Dẫu kết quả chẳng đổi thay, trái tim mỗi người hẳn đều đã được tưới táp trong làn nước mát của sự đồng hành không vị kỉ.

Cuối cùng thì, phim cũng chẳng phải chỉ kể về Will – chàng trai định sẵn ngày chết cho chính mình. Thông qua Lou và Will, phim khiến mình đặt câu hỏi: Liệu ta có dám yêu khi biết rằng sự chia ly thể xác là không thể tránh khỏi? Will xác định quyên sinh, Lou vẫn yêu. Nhưng chẳng quyên sinh thì ai trong ta rồi cũng phải ra đi vào ngày nào đó. Sống cùng nhau được bao lâu, rồi cũng kẻ đi trước, người đi sau. Như ông ngoại mình mất, để bà ngoại lại. Như bà nội mình đã mất, còn ông nội lại tiếp tục một mình. Ta có dám yêu không khi mất mát vật lý chỉ là chuyện thời gian? Ta hãy cứ như Lou, cứ yêu đi, dù sao đi nữa.

Hai bố con tâm sự

Đôi câu hỏi mình chưa có lời giải

Cơ mà mối quan hệ giữa Will và Lou, nếu phải gọi tên thì chính xác là gì? Lúc chăm sóc Will, Lou vẫn còn có bạn trai và hai người còn lâu mới chia tay. Thế nhưng Lou và Will chẳng khác gì một cặp đôi cả. Đôi khi mình tự hỏi Lou có thực sự yêu Will hay cô chỉ muốn thể hiện tình cảm như một công cụ giúp Will muốn sống? Lúc khỏe mạnh giàu có, Will còn lâu mới ngó ngàng tới Lou. Sau cùng thì có lẽ là cô có yêu anh, và anh cũng yêu cô. Nhưng mình vẫn nghĩ rằng cô yêu anh nhiều phần vì thương và muốn anh sống tiếp, còn anh yêu cô vì đơn giản cô là người phụ nữ duy nhất ngoài mẹ anh ở bên cạnh anh để chăm sóc và trò chuyện cùng anh. Dù sao đi nữa, với mình đây vẫn là một mối quan hệ kì lạ, thú vị và có gì đó phức tạp hơn tình yêu đơn thuần.

Với cả, Will có trầm cảm chút nào không? Will không được lột tả như một nhân vật có vấn đề về tâm lý. Không. Nếu xem phim bạn sẽ thấy anh là người tỉnh táo, điềm đạm, biết mình muốn gì, rất rõ. Anh không tự hại, không dùng chất kích thích để quên đi nỗi đau hay hành động bộc phát không kiểm soát. Anh tỉnh, rất tỉnh từ đầu đến cuối. Nhưng Will bất lực quá. Có lẽ vậy. Sự bất lực về mặt vật lý hiện tiền và không thể thay đổi. Nó có thể đánh gục bất kì con người nào kể cả người đó có đầy đủ sự hỗ trợ từ bên ngoài như Will. Có lẽ, mình mạn phép kết luận, không phải ai chọn cái chết cũng có vấn đề về tâm lý.

Uhm…

Review đến đây cũng đã dài, và spoil hết sạch phim luôn rồi. Với mình, Me Before You không phải là bộ phim “hấp dẫn” – hiểu theo nghĩa là lôi cuốn mình xem mà không buồn ngủ. Nhịp phim chậm chạp, chuyện tình không drama, ngoại trừ cái kết thực tế. Tóm lại, phim không hợp để thưởng thức cho đã rồi quên, mà là để lắng đọng và suy ngẫm. Vì thế nên nếu bạn muốn viết một bài review phim dài gần 2200 từ như bài này của mình, thì xem Me Before You chắc chắn không phải lựa chọn tồi!

COMMENTS