[Cảm phim] Người ơi, xin đừng qua sông (My love, don’t cross that river) - Bài thơ tình đi vào vĩnh cửu

My love, Don’t cross that river là bộ phim tài liệu kéo dài 86 phút, kể về cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng ông Jo Byeong Man và bà Kang Kye Yeol. Họ cưới nhau từ lúc bà Kye Yeol 14 tuổi, có với nhau đến 12 người con nhưng 6 người trong số đó đã mất vì bệnh tật. Thời điểm quay phim, ông Jo đã gần 100 tuổi, bà gần 90. Họ chung sống với nhau trong ngôi nhà nhỏ cạnh một con sông trong suốt 75 năm trời cùng một chú chó nhỏ. Bộ phim đã chạm đến hàng triệu trái tim với câu chuyện hết sức dung dị về tình yêu phi thường kéo dài suốt gần một đời người mà không bị thời gian vùi lấp.

Người trẻ nói: càng yêu lâu càng dễ chán. Câu chuyện của cụ Jo và cụ Kang sẽ minh chứng điều ngược lại. Nếu tình yêu xuất phát từ sự đồng điệu vô điều kiện, càng đồng hành bên nhau, hai tâm hồn càng hòa làm một. Chung sống với nhau từ tuổi vừa chớm lớn đến lúc đầu đã bạc, răng đã long, hai ông bà vẫn dành cho nhau những cử chỉ quan tâm thân mật, ấm áp và ngọt ngào như những cặp đôi lần đầu biết hò hẹn. Lúc đi bộ cùng nhau, cụ bà vẫn thích nắm tay cụ ông. Mỗi lần đi vệ sinh buổi tối, cụ ông lại đứng ngoài cửa và hát để bà đỡ sợ. Ông vẫn vuốt những cọng tóc trên mặt và xoa đầu bà lúc bà đã thiêm thiếp ngủ. Đã cùng nhau trải qua biết bao nhiêu lần thăng trầm của đời người để già đi, ấy vậy mà bà vẫn có lúc hờn dỗi ông như người con gái mới lớn. Lúc ấy, ông lại hái những bông cúc dại gài lên mái tóc bà để làm bà cười trở lại. Và đừng nghĩ già rồi thì còn gì vui, hai ông bà vẫn biết vui những cái vui nhỏ nhặt. Họ vừa ném tuyết, vừa hắt nước vào người nhau vừa cười đùa, hồn nhiên hệt như hai đứa trẻ.

Bộ phim chỉ xoay quay những chi tiết bình thường như thế. Nhịp điệu chậm rãi, thảnh thơi, khiến ta thấy cuộc sống của họ gần gũi như hai ông bà hàng xóm cạnh nhà. Phim được ghi hình trong xuyên suốt 1 năm từ mùa thu năm nọ sang tới mùa hè năm sau. Qua 4 mùa đổi thay, 2 cụ cùng nhau đi theo sự chuyển vần của đất trời. Mùa thu, vợ chồng quét lá vàng rụng trên sân. Sang đông, hai cụ háo hức đón tuyết đầu mùa. Xuân đến, họ đón con cháu sum họp rồi du xuân rộn ràng cùng trung tâm người cao tuổi. Hạ về, họ cùng nắm tay đi dạo ngắm suối. Nhìn những khung hình dung dị, khó mà không tự hỏi liệu ta có thể cùng người thương tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc bình thường như thế mỗi ngày? Người trẻ giờ đây đến với tình yêu khi mỗi người đều gồng gánh bên mình nhiều ước mơ và nhiều dự định. Bận rộn bàn chuyện công việc, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, tương lai, còn mấy ai ham mê thứ tình yêu nơi hai người chỉ “mình yêu nhau, yêu nhau bình yên thôi” như hai cụ?

Thân người có thể già đi nhưng tình yêu của cụ Jo và cụ Kang dành cho nhau dường như không có tuổi. Ông mất vì đổ bệnh, để lại bà một mình trong căn nhà nhỏ đã quen hơi hai người. Thật khó để tưởng tượng nỗi đau mất đi một con người đã sống với mình dài đẵng suốt gần 100 năm đất trời, mỗi tối chỉ còn lại duy một bóng đen hằn lên bức tường cũ, lẻ loi, hiu quạnh. “Nếu ông ấy ra đi, tôi cũng muốn đi theo. Thật tốt nếu cả hai có thể chết cùng nhau, tay nắm tay" - Bà đã nói vậy. Dòng sông cuộc sống đem hai con người gặp gỡ nhau để rồi sau cùng cũng chia đôi họ ở nhánh rẽ mang tên sinh tử. Tuy thân xác phải rời xa, tình yêu phi thường của họ vẫn sẽ luôn trường tồn. Bộ phim khép lại trong khung cảnh tuyết trắng ngập vùng quê, cạnh con sông quen thuộc, bà ngồi bên nấm mồ mới lập của chồng, để người xem lại giữa khoảng không cảm xúc chơi vơi trống rỗng như thể chính mình vừa mất đi một điều gì.

“Người ơi, xin đừng qua sông” chính là bản tình ca có thật khiến ta phải hân hoan xúc động với niềm tin về một tình yêu vĩnh cửu và thổn thức khôn nguôi vì vẻ đẹp của nó. Xem phim để học cách đi chậm lại mà trân trọng người bên cạnh và dành cho họ hết thảy sự chân thành. Chẳng cần hứa hẹn xa xôi, cứ dìu nhau đi từng bước lặng lẽ êm đềm với sự cảm thông, thấu hiểu. Một ngày nếu chẳng lỡ phải xa nhau, ít nhất ta cũng mãn nguyện vì biết đã yêu trọn vẹn hết mình.