[Cảm phim] Nomadland- Đời du mục đâu chỉ có tự do

Nomadland (2021) không phải là bộ phim để tranh thủ xem giờ nghỉ trưa hoặc trong vội vã để đổi lấy vài tràng cười giải trí. Cần sự yên tĩnh và chút thảnh thơi để cảm nhận bộ phim trọn vẹn. Không ồn ào hay kịch tính, Nomadland chỉ đơn giản là một mảng màu trầm lặng về cuộc đời của những con người lầm lũi trên đường ngày đêm như bạch dạ hành.  

Fern - Trung tâm của Nomadland, là một phụ nữ trung niên sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng thay vì có một cuộc sống đủ đầy an sinh đang chờ đợi thì bà đang phải trải qua những chông chênh cuộc đời. Mở đầu phim là cảnh Fern dọn đồ đạc lên chiếc xe Van trắng cũ kĩ , chuẩn bị lên đường với câu chuyện riêng mãi về sau mới được bộc bạch thông qua những cuộc nói chuyện với các nhân vật khác. Fern lấy chồng - Bo sau vài tháng yêu nhau và chuyển đến Empire sống. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến cho khu xí nghiệp ở Empire phá sản, công nhân phải rời đi để tìm công việc mới. Chồng bà cũng mất ngay sau đó không lâu, để lại bà gần như là một mình tại Empire. Lên đường có lẽ là lựa chọn cuối cùng Fern có.

Fern lái chiếc xe cũng là ngôi nhà của bà rong ruổi qua những con đường vắt ngang qua hoang mạc và đồng cỏ nước Mỹ với nhiều suy tư, nỗi u hoài cùng sự trống rỗng. Trên hành trình, bà có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với nhiều con người với những câu chuyện, những mất mát riêng. Thông qua Fern, những nhân vật khác cũng được bộc lộ những nỗi đau riêng tư của cuộc đời mình. Linda là người phụ nữ từng nghĩ đến tự tử vì nỗi tuyệt vọng mang tên thất nghiệp nhưng tình yêu với hai chú chó nhỏ đã ngăn bà tìm đến cái chết. Swankie - người bạn mới quen sẵn sàng chia sẻ về việc bà đã mổ ung thư phổi, theo lời bác sĩ chỉ sống được tám tháng nhưng tuyệt đối không muốn sống những ngày cuối đời trong bệnh viện. Dave có gia đình viên mãn, sắp đón cháu nội, có một ngôi nhà rộng trên một nông trại lớn, tự nhận mình “đã quên mất cách làm bố” khi không mấy thấu hiểu đứa con trai. Hay Bob, người luôn có những phát biểu thông thái vẫn còn rưng rức kể về con trai đã tự vẫn vào năm 28 tuổi, còn ông thì lên đường để phụng sự người khác như một cách để nguôi ngoai nỗi nhớ thương và tìm lại lý do sống cho đời mình.

Xem Nomadland, để thấy cuộc sống du mục không như là mơ. Người bạn của tôi tự hỏi tại sao Fern có vẻ không tận hưởng việc đi “phượt” với lối sống như chim trời mà trông luôn nặng trĩu u hoài, hoang mang, buồn bã. Không như một số bộ phim cũng thuộc thể loại “hit the road and f*ck the rest” - nơi người trẻ có vẻ sung sướng với việc nổi loạn để sống xê dịch mỗi ngày, Nomadland chọn một góc nhìn khác: trầm lắng, suy tư, có phần thực tế và trần trụi hơn. Chiếc xe cũ kĩ, chật hẹp chỉ đủ cho một giá bếp và chiếc giường, không có tiện nghi như nhà tắm hay nhà vệ sinh. Fern phải đi vệ sinh vào xô, giặt giũ ở tiệm giặt là, làm công nhân thời vụ ở bất kì đâu nhận bà dọc đường đi, lúc lại hỏng lốp, khi lại hỏng xe để rồi phải vay tiền em gái chưa rõ ngày trả. Để thấy đời du mục tuy không phải lên văn phòng ngồi 8 tiếng mỗi ngày hay đối phó với sếp thì phải tự ôm lấy vô vàn sự bất tiện, hiểm nguy, thấp thỏm với những cái “biết đâu” đang chờ ở mỗi khúc ngoặt trên đường.

Quyết định lăn bánh bỏ lại vùng đất quen thuộc cùng quá khứ phía sau đôi khi là một lựa chọn, đôi khi là không. Có những người muốn xách xe lên đường bởi họ có cuộc sống quá đủ đầy mà vẫn không tìm thấy niềm vui đích thực. Có những kẻ bị tước đi tất cả để thấy họ chẳng còn gì để mất, chẳng còn một lý do để ở lại và lên đường là cách giãy đạp cuối cùng để họ cảm thấy mình đang sống. Đời du mục là đời vô định, không có điểm dừng, là phơi mình ra trước sự không chắc chắn và nghìn trùng câu hỏi cho ngày mai. Đâu chỉ có vô định, Nomadland cũng khắc họa nỗi cô đơn héo hắt của đời sống nomad. Trên hành trình, Fern đã gặp không ít con người thú vị, cùng ăn uống, nói chuyện với họ quanh đống lửa. Những cuộc đối thoại ngắn hay dài, nông hay sâu, sau cùng thì những người lữ hành trên đường cũng chỉ là cái bóng đi qua cuộc đời Fern. Một cái vẫy tay tạm biệt thế là còn lại một bóng người buồn hiu trên nền trời hồng sẫm buổi chiều, đường chân trời giăng ngang phía xa, vắt vẻo, hụt hẫng, hoang vu đến não lòng.

Phải nhìn đời du mục từ góc nhìn của Nomadland, ta mới thấy cuộc sống tự do chống lại guồng quay vận hành của nền kinh tế luôn đi cùng với rất nhiều đánh đổi. Bù lại, nếu đủ can đảm đi theo tiếng gọi phiêu lưu như những nomads trong phim, ta sẽ nhận lại những giá trị xứng đáng đủ để nuôi sống tâm hồn bị bỏ đói trong nhịp sống hiện đại. Với Fern, đó là sự kết nối sâu sắc với thiên nhiên và con người. Là câu trả lời cho những hoang mang tuổi xế chiều khi chẳng còn gì để làm, chẳng còn ai bên cạnh. Là hành trình tưởng như là chạy trốn nhưng thực ra là đối diện để chữa lành với nỗi đau và sự cô đơn sâu thẳm bên trong mình.

“One of the things I love most about this life is that there's no final goodbye. You know, I've met hundreds of people out here and I don't ever say a final goodbye. I always just say, "I'll see you down the road". And I do. And whether it's a month, or a year, or sometimes years, I see them again. You’ll see Bo again and you can remember your lives together”. Với dân du mục, chẳng có lời tạm biệt cuối cùng, họ chắc chắn sẽ gặp lại nhau vào một lúc nào đó, đâu đó trên đường. Cũng thế, một ngày nào đó Fern sẽ cũng gặp lại người chồng của mình và họ có thể ngồi cùng nhau mà tưởng nhớ một thời từng sống. Câu thoại của Bob như một lời xoa dịu nhẹ nhàng dành cho Fern lúc này cần một niềm tin để níu vào hơn bao giờ hết. Bà quay lại ngắm nhìn Empire một lần nữa trước khi tiếp tục lao vào con đường vô định bất tận của đời mình.

Mỗi mảnh đời xuất hiện trong phim đều sứt mẻ ở đâu đó, đều trải qua những mất mát cùng trăn trở về cái chết, của người khác, của chính mình. Mỗi người đều có lý do riêng để lên đường để rồi gặp nhau và kết nối với nhau chính bằng những tổn thương quá khứ. Xem Nomadland để hiểu thêm về tâm tư của những kẻ bên ngoài tưởng như “không giống ai”. Để thấy lựa chọn lấy xê dịch làm lẽ sống đâu có dễ dàng như người trẻ giờ vẫn mơ. Và, để thấy đời du mục đâu chỉ có mỗi tự do.

COMMENTS