[Cảm sách] Hoang dã - Hoang dã là thế, cứ mặc đời trôi

Một buổi chiều lượn lờ quanh những kệ sách của thư viện quốc gia, mình bắt gặp “Hoang dã” (Wild) của Cheryl Strayed. Chiếc giày leo núi sờn cũ đặt nổi bật giữa trung tâm bìa trắng, khá lạ. Không khó để đoán ra đây là lại là một quyển du kí nữa. Đang ở trong tâm trạng thèm phiêu lưu đâu đó, mình chọn ngay Wild để đọc dù chưa từng nghe qua tên cuốn sách, với tâm thế không kì vọng gì nhiều.

Bất ngờ là, “Hoang dã” đã khiến mình yêu ngay từ những trang sách đầu tiên. Đương nhiên không phải là vì cốt truyện hấp dẫn bởi ai cũng nắm được nội dung cuốn sách qua vài dòng tóm tắt. Chính cái chất thơ man mác từ cách hành văn của tác giả đã khiến mình rung động mãnh liệt. “Hoang dã” không đơn thuần là một cuốn du ký đại trà - Chỉ kể về ăn gì, chơi gì hay làm gì ở điểm đến. Nó có chút gì đó giống “Quá trẻ để chết”. Cũng suy tư, thấm đẫm mất mát, nỗi đau, sự tuyệt vọng. Nhưng ở giữa vũng đen sâu hoắm đó là một khát khao được chữa lành. Khát khao được rũ bỏ tất cả quá khứ đau thương, chẳng màng tương lai phía trước, lên đường như một bóng ma lầm lũi, để cảm thấy mình đang-sống một lần nữa.

Strayed là họ mà tác giả tự đặt. Bởi “Strayed” cũng giống như con người cô - Hoang hoải, thiếu thốn đi tình yêu thương và thực sự vất vưởng, lạc lối trong chính cuộc đời mình. Mẹ cô mất vì ung thư phổi khi cô 22 tuổi. Kể từ đó, bố dượng là người cô chẳng còn nhận ra. Anh chị trong nhà dần mất đi sự gắn kết, mỗi người tự đắm chìm trong những nỗi đau riêng. Cô tự kết liễu cuộc hôn nhân với người chồng dù cả 2 vẫn còn yêu nhau say đắm. Cuộc đời với Cheryl giờ đây không còn gì đáng để gìn giữ - bởi những thứ đáng giữ gìn nhất thì đã đều mất đi. Cô tự buông thả mình trong sex và ma túy, lỡ có thai với một người đàn ông để rồi phải phá thai. Chẳng còn lại gì, cô vác ba lô lên và lao mình vào chuyến đi táo bạo: đi bộ 1.770km theo đường mòn Pacific Crest Trail (PCT).

Trước khi đi PCT, Cheryl đã từng là “Một người vợ đáng yêu và một phụ nữ ngoại tình. Một cô con gái được yêu thương và giờ đây phải cô đơn trong kỳ nghỉ lễ. Một kẻ đầy tham vọng hoài bão và một cây bút tiềm năng liên tiếp nhảy giữa những công việc vô nghĩa trong khi học đòi nghiệp ngập và ngủ với vô số đàn ông.” PCT đi qua 9 ngọn núi, trải dài qua 3 bang California, Oregon và Washington. Với độ dài 4,265 km - đây là con đường mòn dài thứ 2 nước Mỹ. PCT tuyệt đối không dành cho tay mơ, lại càng không dành cho tay mơ đi một mình. Thế nhưng tất cả những gì Cheryl Strayed tìm hiểu được về PCT lại là qua sách hướng dẫn, ngày đó chưa có sự giúp đỡ của Internet hay điện thoại di động. Không nhiều kiến thức, không dày kinh nghiệm, không tập duyệt trước bằng những cung đường ngắn hơn, cô vẫn kiên quyết lên đường. Cheryl biết rằng cô phải đi. Như thể đó là cái giãy đạp cuối cùng, không còn lựa chọn khác.

Đọc review về cuốn sách trên Goodreads, có không ít comment chê trách, lên án Cheryl Strayed vì liên tiếp đưa ra những lựa chọn thiếu trách nhiệm với cuộc đời. Và đi PCT với hành trang hời hợt là trung tâm của sự phán xét. Vài người xem đó như một sự coi thường tính mạng, một sự cổ xúy người trẻ lên đường trong tâm thế chủ quan. Nhìn từ góc độ của họ, Cheryl có lẽ là điên rồ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nếu phải trải qua sự vùi dập chán chê trong đau khổ như Cheryl, có lẽ những nguy hiểm phía trước là điều cuối cùng mà một người sẽ nghĩ đến. Khi cuộc sống rơi tự do tới mức chạm đáy, ta chẳng còn gì để mất. Khi nỗi đau lớn hơn nỗi sợ, nỗi đau là sức mạnh. Và nếu vậy thì, quyết định lao vào PCT tính ra cũng không quá khó hiểu. Cheryl Strayed đã lên đường vì cô biết, sống như đã chết còn đáng sợ hơn bản thân cái chết.

“Hoang dã” đã được chuyển thể thành phim nhưng phim ảnh thường nghèo nàn hơn sách rất nhiều. Phim không lột tả được những khung bậc cảm xúc vi tế nhất của tác giả. Trong khi đó, những dòng chữ của Cheryl Strayed lại được viết xuống bằng hết ruột hết gan - trĩu nặng, đầy tâm sự, cực kì có hồn. Mình có thể thấy được tất cả nỗi đau, tất cả sức sống, sức chiến đấu ở trong từng chương truyện. Mỗi dặm đường PCT là 1,6 km mình thấy được sự thay đổi về bề ngoài, về suy nghĩ của Cheryl: Từ cô gái 26 tuổi lên đường với trái tim rã rời vì đau đớn, được chữa lành chậm rãi trên hành trình ra sao cho đến điểm kết thúc nơi nó có thể tha thứ và làm lành với cuộc đời như thế nào. Đó là toàn thể quá trình phiêu lưu chặt chẽ cùng tác giả, chứng kiến mọi đổi thay nội tâm hết sức hấp dẫn và tự nhiên - Một trải nghiệm mà phim ảnh khó có thể đem đến được.

Đọc “Hoang dã” để biết thêm con người thú vị với câu chuyện có thật. Một câu chuyện rất sống động, rất thôi thúc, rất chạm. Với mình, đây là quyển sách truyền cảm hứng cho cuộc sống không bị gò bó vào timeline của xã hội, không bị giới hạn bởi những tiêu chuẩn nhàm chán. Cheryl không đi theo lộ trình ngăn nắp của đa số nhờ những mất mát đầu tuổi 20. Mất mát lấy đi của cô tất cả nhưng bù lại, cho cô sức mạnh để bước qua giới hạn của chính mình. Đọc “Hoang dã” để thấy, dù từng đắm chìm trong đau khổ bao nhiêu, con người vẫn luôn nắm giữ nội lực bản năng được vươn lên để sống ý nghĩa. Chỉ cần ta cho phép, cuộc sống sẽ để ta được hồi sinh từ đống tro tàn.

Cheryl Strayed kết thúc hành trình dài tại Cầu của Chúa, nối thị trấn Cascade Locks và thị trấn Stevenson, bắc qua dòng sông Columbia. Cô ngồi ăn một cây cốc kem ốc quế xoắn vị socola vani bên ngoài quán East Wind Drive-in nổi tiếng, vừa ngửa cổ lên tận hưởng ánh nắng mặt trời, vừa khóc. Tại những trang sách cuối, Cheryl nói về nhiều thứ xảy ra rất lâu sau thời điểm cô đang ngồi, những điều cô không thể biết từ khoảnh khắc này trở đi, rằng thật ngạc nhiên bởi cô chưa bao giờ có thể lên kế hoạch cho bất kì điều gì trong số đó. Chuyến đi PCT đã dạy cô cách thả lỏng và yên ổn với việc không cần kiểm soát ngày mai - vì đơn giản, cô làm gì có lựa chọn khác. Trên PCT, bạn chỉ biết bước sau theo bước trước. Bạn chỉ cần lo sao cho sống sót trong hôm nay là đủ. Cứ thế, 1,770km, mọi chuyện đều ổn. Nếu mải lo sợ về muôn vàn hiểm nguy rình rập, Cheryl Strayed có lẽ đã bỏ cuộc từ lâu rồi. Vì vậy, nói “Hoang dã” có gì đó rất thiền - thì cũng đúng.

“Tôi không biết mọi thứ trừ một điều, rằng tôi đâu cần phải biết. Rằng tôi chỉ cần tin vào những điều mình làm là đủ. Chỉ cần hiểu ý nghĩa của nó mà không cần phải biết chính xác nó là gì, giống như tất cả những dòng thơ Giấc mơ ngôn ngữ chung đã chảy trong tôi hết ngày lẫn đêm. Tôi biết rằng được ngắm nhìn con cá dưới mặt nước kia là đủ. Rằng đó là tất cả. Đó là cuộc đời tôi - giống như tất cả mọi cuộc đời, bí ẩn, thiêng liêng và không thể đổi thay. Gần gũi, hiện hữu và thuộc về tôi.

Hoang dã là thế, cứ mặc đời trôi.”

COMMENTS