Healing Journey #3: Chánh niệm – Năng lượng chữa lành các nỗi đau cảm xúc
Sư ông Thích Nhất Hạnh đã dành cả cuộc đời Người để dạy về một điều duy nhất: CHÁNH NIỆM. Sư ông không nói về bất kì điều gì khác: Dù đó là những quả vị, phép lạ khi đọc kinh Phật, hay là những cái thấy vượt ngoài thế giới 3D,… Sư ông chỉ dạy về ý thức trong cuộc sống hằng ngày, luyện tập chánh niệm trong 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
Con người hiện đại cần nhất là an, và để gieo duyên với họ về những gì sâu sắc nhiệm màu của đạo Bụt rộng lớn, chỉ cần nói đến sự an lạc, thảnh thơi. Người hiện đại dù vô thần hay hữu thần, tâm linh hay không tâm linh, nói đến sự an lạc của tâm – ai mà không thích? Bởi cuộc sống hiện đại tuy vật chất đủ đầy nhưng phiền não thì chao ôi! Và Sư ông chỉ dạy có thế. Chánh niệm là cánh cửa: khi người ta bước vào đó rồi, sẽ có người kinh ngạc nhận ra chánh niệm không chỉ mang lại an lạc cho thân tâm – sự thoải mái, dễ chịu trên bề mặt. Chánh niệm còn kì diệu hơn thế rất nhiều. Họ có thể đi rất sâu vào bên trong và khám phá ra nhiều sự thật khác – không chỉ là cái an lắng tạm thời của tâm trí.
Bước qua cánh cổng, nhiều người sẽ tự đi tiếp, tự khám phá tiếp, một cách tự nguyện vì bản thân họ đã được nếm chút ít sự an tĩnh từ bên trong. Người ta bắt đầu thực sự trải nghiệm được rằng, sự an lạc đến từ bên trong, không phụ thuộc vào được – mất bên ngoài, là hoàn toàn có thật. Điều đó quả thật là một đặc ân, một phép màu.
Chánh niệm là gì?
Với mình, chánh niệm hiểu đơn giản là khả năng nhận biết thân đang làm gì, tâm đang cảm thấy gì/nghĩ gì trong giây phút hiện tại. Đó là khả năng biết về trạng thái của thân – tâm trong mỗi giây phút bây giờ và ở đây. Thân thể vật lý ở đây thì đúng rồi, nhưng muốn biết thân ở đây thì phải có chánh niệm. Tâm thì thường trôi dạt từ quá khứ đến tương lai, hoặc có những suy nghĩ không liên quan đến quá khứ, tương lai, nhưng cũng chẳng liên quan đến hiện tại. Phải có chánh niệm để biết tâm trí đang nghĩ gì.
Khi có người hỏi: “Anh đang nghĩ gì lúc này?”, ta có thể tạm dừng mọi thứ và lắng nghe suy nghĩ trong tâm trí để trả lời được câu hỏi này. Khi hỏi “Thân đang làm gì? Tay đang cầm gì?”, lại càng có thể trả lời được ngay. Rõ ràng ta luôn có khả năng hay biết những điều đang diễn ra với cả thân và tâm. Chỉ là xưa giờ, hạt giống đó không được nuôi dưỡng, tưới tẩm nên không lớn lên được. Chánh niệm cũng là một dạng kĩ năng, cần được tôi rèn để trở nên thuần thục và sắc bén.
Chánh niệm liên quan như thế nào đến chữa lành nỗi đau?
Chánh niệm giúp đem đến sự an lạc, thảnh thơi cho thân và tâm trong hiện tại. Bởi nó giúp ta vượt thoát khỏi tính lăng xăng của suy nghĩ vốn thường kéo ta đi đủ hướng. Song như mình đã nói, chánh niệm không chỉ đem đến sự an lạc tạm thời.
Chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày chính là năng lượng có công dụng chữa lành các nỗi đau cảm xúc. Vậy tại sao việc chánh niệm trong ăn cơm, rửa bát, giặt đồ,… lại liên quan đến việc giải thoát bản thân khỏi sự đau khổ (cho dù lý do là gì)?
Việc ăn cơm, rửa bát, giặt đồ thì đúng là không liên quan đến sự giải thoát. Bản thân chúng không thể cứu chúng ta những lúc bóng đêm tiêu cực tràn về. Điều quan trọng chính là năng lượng chánh niệm phía sau tất cả những hành động đó. Hành động ta làm tuy có khác nhau: lúc thì có vẻ to tát như xử lý công việc, gặp gỡ khách hàng, lúc thì có vẻ vặt vãnh như nấu ăn, tắm rửa, đánh răng… song việc gì cũng được, vì điều quan trọng là liệu ta có chánh niệm khi làm chúng hay không. Mọi hoạt động trong cuộc sống hằng ngày đều là những cơ hội để ta thực hành chánh niệm. Năng lượng chánh niệm phía sau tất cả những hành động đó mới là điều quan trọng – và càng thực hành, chánh niệm sẽ càng mạnh mẽ, càng sâu sắc.
Trước khi đọc tiếp, bạn có thể ôn lại nguyên lý của sự chữa lành nỗi đau ở bài Healing Journey #2.
Khi nỗi đau dấy lên, nhờ việc thực hành chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã có một chút nội lực. Chánh niệm tạo ra chánh định – khả năng định tâm trên một đối tượng để quan sát nó mà không bị những suy nghĩ, vọng tưởng kéo đi. Khi nỗi đau trở lại, ta có thể định tâm trên lĩnh vực cơ thể và cảm nhận những cảm giác đang diễn ra: sinh - diệt không ngừng, đến - đi không ngừng như những ngọn sóng vỗ vào ghềnh đá. Và ít nhiều, ta sẽ không bị sự hung hăng của suy nghĩ kéo phăng ra khỏi hiện tại để rồi cuối cùng phản ứng lại với đối tượng/tình huống bên ngoài như xưa nay ta vẫn thế.
Thực hành chánh niệm như thế nào?
Đến phần này, không khó để tìm kiếm những hướng dẫn chi tiết trên mạng và trong sách vở. Mình xin phép nhường lại sự hướng dẫn này cho một bài viết của Làng Mai: Thực hành chánh niệm. Thực sự, lý thuyết về cách thực hành chánh niệm ra sao là vô cùng đơn giản và dễ hiểu. Cái khó chỉ nằm ở phần thực sự thực hành mà thôi. Ví dụ, bây giờ bạn có thể thực hành ngay: tôi biết tôi đang đọc những dòng chữ này, tư thế của cơ thể ra sao: tôi đang ngồi hay nằm? Khi đã biết được sự nhiệm mầu của chánh niệm, tự bạn sẽ phát tâm thực hành nó trong đời sống hằng ngày, không cần ai nhắc nhở. Bản thân chánh niệm thì rất dễ, khó ở chỗ ta hay quên. Vì thế phải liên tục thực hành, liên tục nhắc nhở mình bằng các phương pháp khác như đọc sách, nghe Pháp, hoặc cài app tiếng chuông chánh niệm trên điện thoại,… để đối trị chứng hay quên. Tốt hơn, là tìm cho mình một tăng thân, một Sangha để cùng thực tập, hỗ trợ nhau, cũng như tham gia các khóa tu thiền khi đủ duyên.
Như vậy, nhờ việc thực hành chánh niệm mỗi ngày, chúng ta không chỉ cảm thấy an lạc hơn bây giờ và ở đây. Mà chúng ta cũng đang chuẩn bị cho những sự chữa lành và chuyển hóa sâu sắc ở bên trong. Khi nỗi đau dấy lên, chúng ta bắt đầu có cái biết: nỗi đau đang dấy lên. Thay vì làm theo những gì cảm xúc sai sử, chúng ta tách mình ra khỏi cảm xúc đó, không đồng hóa với nó – vì ngay khi biết – là ngay đó chúng ta đã tách mình ra được khỏi đối tượng được-biết (là cảm xúc) rồi. Sau đó, chúng ta bắt đầu quay trở về với hơi thở, bởi hơi thở là cổng vào của cơ thể. Sau vài hơi thở an tĩnh, chúng ta bắt đầu quán sát những cảm giác trên cơ thể vật lý. Cảm nhận thật trọn vẹn và sâu sắc với cam kết rằng dù suy nghĩ có bảo ta làm gì, ta cũng sẽ ngồi yên. Điều này thật vô cùng khó. Nhưng với sự thực hành chánh niệm, chắc chắn chúng ta sẽ có khả năng quan sát được thân – tâm khi cơn bão đến.
Tất cả những gì mình viết đều chỉ là một bản tóm tắt lại những gì mình đã học được, nó còn nhiều thiếu sót, hoặc biết đâu vẫn có những điểm mình chưa hiểu đúng. Mình biết nó cũng sẽ có đôi phần khó hiểu, khó hình dung với những người mới. Bản thân mình cũng thực hành giải đãi, chưa tinh tấn, còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên trong thâm tâm, mình vẫn luôn biết đây là con đường mình phải đi chứ không có ngờ vực hay nghĩ rằng sẽ có cách khác dễ hơn nhằm chữa trị bất tịnh của tâm. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy thực sự hứng thú với hành trình làm việc với thế giới bên trong, mình muốn giới thiệu cho bạn vài quyển sách mà với mình, là rất dễ hiểu và mang đến ảnh hưởng sâu sắc:
Phép lạ của sự tỉnh thức – Thiền sư Thích Nhất Hạnh (bàn về chánh niệm và cách thực hành chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày)
Cởi trói linh hồn – Michael A. Singer (tên sách nghe hơi ám muội nhưng thực ra sách viết rất khoa học, rất thực tiễn, rất dễ hiểu – một quyển sách vô cùng quan trọng để hiểu sâu hơn về các nỗi đau và cách để chữa lành nỗi đau triệt để)
Nghệ thuật sống & Nghệ thuật chết - Thiền sư Goenka (mình khuyến khích đọc 2 quyển này sau khi đã tham gia khóa thiền Vipassana 10 ngày)
Cuối cùng, chúc bạn tự trải nghiệm và tìm thấy cho mình một con đường!