Để viết đều đặn

Nếu bạn nghiêm túc với viết lách, bạn nên cố gắng viết đều đặn. Ai cũng có thể viết, song viết lách đều đặn đòi hỏi kỷ luật và quyết tâm nhiều hơn là kĩ năng. Để viết được gần như mỗi ngày, ta không thể chờ ý tưởng hay cảm hứng tự tìm đến.

Mình biết một số người chỉ viết khi họ vừa có một trải nghiệm đáng nhớ hoặc quan trọng. Họ kể về một chuyến đi xa, một thành tựu vừa đạt được, một thay đổi lớn trong đời hoặc một cảm xúc mạnh mẽ. Ngoài ra, dường như không có gì nhiều nhặn để viết. Mỗi ngày vẫn đến và đi với chuỗi công việc quen thuộc, bình thường, có gì đâu mà kể. Đó là lý do tại sao có rất nhiều blog không chuyên bị bỏ hoang mặc dù tác giả có lối hành văn rất lôi cuốn và duyên dáng. Mình chỉ có thể tìm thấy một vài bài viết kể về các “điểm nhấn” trong cuộc sống của họ, ngoài ra không còn gì nữa. Thỉnh thoảng mình vẫn vào blog của họ để xem, nhưng rõ ràng họ đã bỏ viết khá lâu rồi.

Nếu chỉ viết khi cảm thấy bị thôi thúc từ một trải nghiệm và một cảm xúc, ta khó mà viết được lâu. Mình đã từng lập một vài blog để tập tành viết lách trong những năm đại học, nhưng mỗi cái chỉ có vài bài rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Mặc dù thâm tâm mình biết bản thân cũng phù hợp với viết, nhưng mình luôn cảm thấy không biết viết gì, hay nói cách khác, mình không cảm thấy có gì đáng-để-viết. Mình cũng giống như một số bạn blogger trên, phụ thuộc nhiều vào cảm xúc và các sự kiện bên ngoài. Khi cảm thấy bình thường và các sự kiện thì không có gì đặc biệt, mình không bao giờ có nhu cầu viết.

Nhưng những tháng làm việc trong agency quảng cáo đã dạy cho mình khả năng viết mà không cần cảm xúc. Với một đứa lệ thuộc cảm xúc như mình, đây quả là một bài học quý giá. Ta có thể viết vào bất kỳ lúc nào. Và ý tưởng viết thì luôn có sẵn ở xung quanh. Ý tưởng có thể đến từ một bức ảnh trên pinterest, một video trên youtube, một câu nói bâng quơ, một bữa đi dạo, hoặc một suy nghĩ thoáng qua trong đầu. Và các ý tưởng này không nhất thiết phải đem đến cảm xúc gì trong bạn hết. Với sự tập trung và kĩ năng viết thuần túy, ta hoàn toàn có thể triển khai chúng thành một bài văn có đầu có đuôi. Khi trò chuyện với bạn bè, ta đâu cần phải có cảm xúc đặc biệt với một chủ đề rồi mới có thể trò chuyện về chủ đề đó. Viết cũng thế. Viết đơn thuần là kể lể lải nhải tỉ tê tâm sự chia sẻ đủ thứ trên trời dưới đất, có chăng là theo cách logic và có hệ thống hơn mà thôi. Nhìn viết lách đơn giản như vậy, bạn sẽ viết được bao nhiêu là thứ.

Mình theo dõi một người chị trong giới viết lách đã lâu. Chị bắt đầu blog từ năm 2 đại học (2016) và đến nay vẫn đang viết lách mỗi ngày trên chính blog đó. Thỉnh thoảng mình vẫn tự hỏi làm sao chị có sức viết lớn như vậy. Đành rằng chị đi nhiều, gặp nhiều, song chị đâu chỉ viết về vùng đất mới hay con người mới. Dù là ai thì cuộc sống vẫn phải lặp lại theo một nhịp điệu quen thuộc nhất định. Người có máu phiêu lưu nhất đôi khi cũng chán ngán việc phải đi từ chỗ này sang chỗ khác mỗi ngày. Rõ ràng người chị đó viết nhiều, viết đều là nhờ kỷ luật chứ đâu phải nhờ sự kích thích từ ngoại cảnh. Mà đã viết với tính kỷ luật thì sẽ có bài vui bài buồn, bài hay bài dở, bài ngắn bài dài, đủ hết cả. Nhưng viết cái gì, viết ra sao cũng chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng nhất chính là viết đều đặn để nuôi dưỡng tình yêu và phát triển kĩ năng viết lách.

Kỷ luật nghe thì không vui, nhưng nếu bạn chỉ viết khi vui thì bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái vui của viết. Vậy nên, đừng chờ “có gì để viết”. Hãy cứ viết đi và bạn sẽ viết được cái gì đó đàng hoàng thôi. Hứa!

COMMENTS