Đừng quên cái chết

Không phải chỉ những người già gần đất xa trời mới nghĩ về cái chết. Thời này, hay bất kỳ thời nào đi nữa, người ta, dù già hay trẻ, cũng có thể chết đi vì bất kì lý do gì.

Người ta vẫn chết mỗi ngày. Không ai có thể biết lần cuối ta gặp một người sẽ là lúc nào hay ở đâu. Những vụ tai nạn, những trận cháy, những vụ án giết người, những căn bệnh, những tình cờ tưởng như chỉ hợp để đem ra nói đùa. Có biết bao nhiêu lý do để một người không bao giờ trở lại nữa? Lý do nào sẽ dành cho cái chết của ta? Và bao giờ là lúc nó đến? Không một ai được quyền biết trước, không một ai có quyền mặc cả. Cái chết sẽ “bỗng dưng” mà đến, giữa những ngổn ngang đời thường, giữa những ngày ta vẫn đắm chìm trong biết bao lo toan, dự định, hận thù, đam mê. Rất có thể là nhiều năm nữa. Cũng rất có thể là ngày hôm nay. Ta không được phép quên điều đó.

Ngày mình đọc được tin một người chị cùng CLB với mình ra đi, khi đang đạp xe đến trường để dự lễ kỉ niệm 20/11, mình đã thấy lòng mình trống rỗng. Người chị ấy vào buổi tối trước ngày ra đi mãi mãi, liệu có biết rằng ngày mai là lần cuối cùng chị đạp xe đến trường? Hay 5 năm trước, lúc chị bằng tuổi mình, liệu chị có ngờ rằng 5 năm sau, chị sẽ ra đi? Lần đầu tiên, mình cảm thấy cái chết rất thật, rất gần. Người ta vẫn R.I.P những người đã qua đời và nhắc nhở nhau “đời vô thường quá” để sống tốt hơn, nhưng người đang sống khó mà hiểu được. Người đang sống vẫn sẽ luôn thấy rằng cái chết là điều gì đó thật xa xôi với họ hay với những người họ yêu thương. Người ta vẫn chết ở ngoài kia, nhưng điều đó thì liên quan gì đến ta chứ. Ta khó mà hiểu lắm. Vì ta đang sống đây, ta chưa chết bao giờ.

Trong phim Titanic, lúc con tàu huyền thoại đang chìm dần xuống đáy đại dương, khung cảnh được tái hiện thật khiến người xem không khỏi ám ảnh. Những con người giàu có với địa vị, tiền bạc, sự kiêu hãnh. Thế nhưng trước cái chết kề bên, con người đều hoàn toàn giống nhau: bé nhỏ vô cùng và tràn đầy sợ hãi. Quá khứ hay tương lai còn liên quan gì, thậm chí đến cả ngày hôm nay cũng không còn liên quan nữa. Chỉ còn các khoảnh khắc là có thật. Không còn một thứ gì ta đã hay sẽ tích góp được trong quá khứ hay tương lai là có thật nữa. Chẳng còn sự phân biệt đẳng cấp, giàu hay nghèo, thông minh hay ngu dốt, xấu hay đẹp, cao hay thấp, trắng hay đen. Cũng không nhớ nổi những toan tính, dự định, tranh giành, hơn thua, khổ đau hay hạnh phúc. Cận kề cái chết sẽ làm người ta quên đi mọi thứ họ dành cả đời để trang hoàng lên bản ngã của mình. Cái chết làm ta trần trụi như chính ta là.

Ồ không, bài viết này không phải để dọa dẫm hay bi quan hóa một ai cả. Nghĩ về cái chết không phải lúc nào cũng có-tính-tự-tử, mà đúng hơn là đối diện với sự thật không ai có thể tránh khỏi. Thực tế, nếu bạn không quên cái chết của bản thân, bạn sẽ có xu hướng sống tốt hơn, và làm được nhiều điều có giá trị hơn, không chỉ cho bạn mà còn cho những người khác. Bao nhiêu cuốn sách hay câu chuyện đầy cảm hứng đã ra đời vì tác giả mắc bệnh ung thư? Biết rằng mình sẽ chết, bởi bất kì lý do gì và vào bất cứ lúc nào, chúng ta sẽ trân quý giây phút hiện tại và những người xung quanh. Chúng ta cũng dễ dàng buông xả, tha thứ, yêu thương và chia sẻ cho người khác. Nếu cái chết có đến, dù là với ai, chúng ta cũng có thể đón nhận nó bình thản hơn, ít khổ đau hơn so với những người chưa bao giờ chuẩn bị cho nó.

Death is the greatest teacher of life. Điều gì rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có cái chết là đang chờ đó. Nên hãy đừng bao giờ quên cái chết của mình.

COMMENTS