Hạnh phúc là có thì giờ
“Hạnh phúc là có thì giờ: có thì giờ để chăm sóc thân và tâm của mình, có thì giờ để chăm sóc và yêu thương những người khác.”
Hạnh phúc là một chủ đề tốn rất nhiều giấy mực trong văn chương, trong đời sống. Do người ta nói về hạnh phúc quá nhiều mà đôi khi mình thấy nó hơi sáo rỗng. Bởi vậy, mình không thích những khái niệm về hạnh phúc, và thường không thích dùng từ hạnh phúc. Nhưng khi đọc được câu trích ngắn ngủi trên trong một bài viết trên trang langmai.org của thiền sư Thích Nhất Hạnh, khái niệm hạnh phúc bỗng trở nên tươi mới vô cùng, dễ tiếp nhận hơn hẳn đối với mình. Góc nhìn của Sư Ông vô cùng đơn giản, nhưng khi ngẫm lại từ chính trải nghiệm cá nhân, thì mình thấy nó đúng ngỡ ngàng.
Mình nhớ đến thời đại học - Những ngày tháng mà mình cố gắng lấp đầy mỗi ngày bằng các hoạt động sôi nổi. Đi làm thêm, tham gia câu lạc bộ, đi tình nguyện, lên thư viện, đọc cái này, làm cái kia, và từng tưởng rằng làm xong nhiều việc như thế là không thấy tiếc nuối, là mãn nguyện. Để rồi các ngày cứ nối tiếp nhau bởi nỗi ám ảnh về năng suất, rốt cuộc mình chỉ thấy mệt mỏi, tuyệt vọng, càng làm càng thấy thiếu, càng cố gắng càng thấy thua kém bạn bè.
Từ khi tốt nghiệp đi làm, lối sống tiêu thụ với vòng lặp làm để kiếm tiền tiêu, tiêu xong lại làm, chạy đua với vô số hoạt động, nhiệm vụ, thực ra lại để lại cho mình nhiều bất an và nỗi trống rỗng hơn cả. Mình không có thời gian để thở cho chậm chạp vì nhịp sống mình chọn thật gấp rút. Mình không có thời gian để dành cho thiên nhiên, cây cối và các sở thích cá nhân. Không có thời gian để nhìn những người mình yêu thương trọn vẹn vì trong đầu lúc nào cũng lẩn vẩn loạt công việc đang chờ.
Lối sống bận rộn khiến người ta cảm thấy mình là một ai đó, có giá trị, có tiếng nói, có chỗ đứng, rằng mình không vô dụng, nhưng sau cùng đó chỉ là sự sai sử của bản ngã. Chẳng ai hạnh phúc trong lối sống bận rộn, bù việc từ sáng đến tối cả. Đó là điều có thể cam đoan. Liên tục chạy theo các hoạt động hướng ngoại nên ta dễ đánh mất sự kết nối với thế giới xung quanh, bởi vì để nhận thức được cuộc sống ở mức độ sâu sắc hơn cần một cái tâm lắng dịu - Điều mà những người bận rộn rất khó để có được. Người sống bận rộn thì có thể rất giỏi, rất giàu, rất có ảnh hưởng, rất “có ích cho xã hội” nhưng cũng có thể rất không hạnh phúc.
Lối sống đơn giản, ít tiêu thụ, ít làm (doing) hơn để hiện hữu (being) nhiều hơn, sẽ đem lại nhiều hài lòng và niềm vui hơn. Trong nếp sống đơn giản, thảnh thơi, chậm rãi, ta mới có thì giờ để cảm nhận và yêu thương, thân và tâm mới có được sự sáng suốt, vững vàng. Nhưng cái giá cần phải trả cho sự đơn giản là bản ngã. Bởi chừng nào còn ganh đua trong cuộc thi vật chất hoặc danh tiếng, thì chừng đó vẫn còn phải quần quật với đủ thứ việc từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác, từ ngày khác đến hết đời. Dù cho chúng ta có nói công việc là niềm vui, thì niềm vui đó chỉ là thứ phủ lên bề mặt của nỗi sợ không-là-ai-cả, của những cảm giác bồn chồn, trống rỗng mà đôi khi, thật khó để "dừng bận" và đối diện.
Mình nhớ những ngày mình không có kế hoạch hay dự định, không hướng đến một mục tiêu nào, không cần phải thúc đẩy bản thân làm nhiều hơn mà chỉ đón nhận những nhiệm vụ đang hiển bày, những ngày đó mình thấy an yên hơn cả. Đương nhiên điều này không đồng nghĩa với việc là đừng có mục tiêu, mà nếu có mục tiêu thì hãy thực hiện nó theo cách chậm rãi thôi. Đừng thúc giục chính mình đến mức không còn thời gian để nghỉ ngơi, để thở, để thỏa mãn sở thích cá nhân hay để tiếp xúc với người thân, với thiên nhiên trong ý thức.
Bởi vì mục tiêu thì có đó, nhưng tất cả những gì mình cần đã ở đây rồi. Ai cũng muốn sớm đạt được mục tiêu nên luôn vội vã cả ngày trong danh sách đầu việc dài dằng dặc, để rồi lúc đạt được thì nhận ra cuộc sống vẫn bình thường như thế. Tại sao phải điên cuồng lao về phía trước khi biết việc đạt được mục tiêu sớm hay không chẳng hề thay đổi được sự thật là mình không vui? Tại sao phải vội vội vàng vàng đi qua ngày tháng khi biết rằng cuối con đường, đích đến duy nhất đang chờ là cái chết?
Làm người bận rộn thì dễ lắm vì giờ ai cũng biết cách thêm việc cho mình và cho người khác, nhưng rồi ai cũng có căng thẳng tận sâu bên trong. Hãy dám rảnh rỗi, dám có thời gian cho chính mình, cho người khác, cho những điều nhỏ nhặt của cuộc sống, người như thế mới dám hạnh phúc.