Hành thiền đích thực

Khi chúng ta dành thời gian để ngồi thiền mỗi ngày, dù chỉ ngắn ngủi từ 20-30 phút, dần dần việc ngồi thiền sẽ trở thành một phần trong cuộc sống: như thể đánh răng và tắm rửa mỗi ngày. Song nếu không cẩn thận, việc ngồi thiền sẽ dễ bị coi như một phần của thời khóa biểu và được hoàn thành một cách máy móc. “Hôm nay mình đã ngồi đủ 30 phút”, và chúng ta tự cảm thấy nhẹ nhõm vì đã ngồi đủ thời gian. Tuy vậy, khi những vấn đề hoặc căng thẳng nảy sinh, ta lại lúng túng không biết đối diện như thế nào. Ta vẫn ngồi thiền đó, nhưng sao vẫn bị lo lắng lôi kéo và rơi vào vòng luẩn quẩn cũ của tâm? Dường như ngồi thiền không cứu giúp cuộc sống của ta, không đem lại nhiều lợi lạc như người ta vẫn thường nói.

Thực ra, bản thân việc ngồi thiền không có có ích lợi gì cả nếu hành giả không hiểu được ứng dụng của nó mà chỉ thực hành một cách khuôn mẫu: bấm giờ, nhắm mắt và mong thời thiền trôi qua thật nhanh. Khi thiền, chúng ta phải thực hành điều tâm vào từng hơi thở. Đó là công việc trong thiền: tưởng không làm mà lại làm. Phải liên tục điều tâm một cách chăm chú, tỉnh giác. Điều này sẽ củng cố khả năng định trong hiện tại, để khi xả thiền, ta có khả năng chánh niệm vững vàng trong các hoạt động, từ đó duy trì được cái tâm sáng suốt, quân bình suốt cả ngày. Mỗi thời thiền là một cơ hội để tắm rửa cho tâm. Ngồi thiền tuyệt đối không phải là hoạt động thụ động, buông lơi tất cả, thả trôi tâm trí như nhiều người vẫn lầm tưởng. Trái lại, đó là khoảng thời gian tôi rèn sự tập trung và tỉnh thức cao độ. Bạn sẽ đánh rơi sự tỉnh thức hàng trăm lần và nhặt lại nó hàng trăm lần trong thiền. Cứ một lần đánh rơi – nhặt lên, “cơ bắp” của tâm sẽ trở nên mạnh hơn đôi chút.

Như vậy, hành thiền thực sự không phải là việc ngồi thiền vào đúng một khung giờ mỗi ngày. Làm được như vậy hiển nhiên là rất quan trọng. Nhưng thời thiền đó chưa phải là hành thiền thực sự. Hành thiền đích thực phải diễn ra trong từng giây phút, từng hành động trong cuộc sống, trong 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi. Và thời thiền chính thức chỉ là một khoảng thời gian nạp lại năng lượng chánh niệm, nhắc nhở chúng ta về việc chú ý đến hơi thở, đến cơ thể trong các hoạt động trong ngày. Thời thiền đóng vai trò như một mảnh đất màu mỡ nơi khả năng chánh niệm được nuôi dưỡng để trở nên lớn mạnh hơn. Thời thiền dù ngắn hay dài cũng không phải là thứ lễ nghi máy móc, mà phải được ứng dụng trong cuộc sống. Đứng lên sau thời thiền, ta nhất thiết phải liên tục nhắc nhở mình về việc áp dụng thiền trong từng hoạt động: có thế thời thiền đó mới không vô ích. Khi chánh niệm được ứng dụng trong đi đứng nằm ngồi, đó mới là hành thiền đích thực. Bằng không, có ích gì khi cứ phải ngồi nhắm mắt 30 phút hay 1 tiếng cho xong để còn đi làm việc khác có vẻ quan trọng hơn?

Chánh niệm trong tứ oai nghi mới đích thị là hành thiền