Hãy cho người viết khoảng trời riêng

Lý do một người bắt đầu viết, là vì họ muốn bộc lộ và biểu đạt bản thân. Lý do một người yêu viết, là vì họ cảm thấy được là chính mình tươi nguyên, đơn sơ, không hoàn hảo một cách đẹp đẽ qua ngôn từ. Họ tìm thấy niềm vui được giãi bày và khi niềm giãi bày đó được cảm thông bởi người khác.

Mình đã ngạc nhiên thấy nhiều đứa bạn chẳng hề có gốc gác học văn, chẳng làm nghề viết gì nhưng có thể viết rất hay, sống động và có chất riêng. Họ viết bởi niềm thôi thúc được chia sẻ, được trút bầu tâm sự. Khi không còn gọng kìm của khuôn khổ từ thầy/cô, họ cho phép bản thân được viết một cách thoải mái, không áp lực, không mong cầu sự chấp nhận, lời khen hay sự ủng hộ. Khi đó ngòi bút của họ tự do, chân thật đến mức dù dễ để chỉ ra những điểm không hoàn hảo, ta vẫn liên tục tìm đến họ để đọc câu chữ họ viết. Không còn nơm nớp lo sợ điểm thấp và lời phê bình như những năm cấp III, họ viết nhiều hơn hẳn, hấp dẫn hơn hẳn. Bông hoa bên trong người viết lại bắt đầu hé nhụy.

Đừng khiến bông hoa chớm nở phải tàn bằng những nỗ lực thay đổi người viết. Không nhất thiết phải sửa câu từ, sắp xếp lại nội dung bài viết hoặc thậm chí là thay đổi quan điểm của người viết. Bạn nghĩ như thế này là hay hơn, logic hơn, dễ đọc hơn - Đó là việc của bạn. Có nhiều người sẽ thấy giống bạn, nhưng cũng có nhiều người khác sẽ yêu cách viết riêng của tác giả đó. Đừng cố đưa ra những nhận xét thay đổi người khác nếu họ không yêu cầu. Nếu họ có yêu cầu thật (chứng tỏ họ rất tin bạn), hãy cẩn thận khi đưa ra bình luận. Dù có bao nhiêu gạch đầu dòng bạn nghĩ họ cần phải học và sửa, điều quan trọng hơn hết vẫn là khuyến khích họ viết nhiều hơn nữa, sao cho đúng với con người họ hơn nữa.

Hãy dạy họ cách tin tưởng vào con chữ của mình và những chỉ dẫn ở sâu thẳm bên trong. Đừng bảo họ hãy tham khảo người này người kia. Hãy bảo họ nhìn vào chính mình và viết cho chính mình. Nếu họ viết dở thật, thì ít nhất cái dở đó cũng là của họ chứ chẳng phải vay mượn ở đâu. Họ sẽ dở theo cách riêng, và rồi cũng sẽ tiến bộ theo cách riêng. Chẳng cần bảo họ đọc nhiều hơn, chẳng cần phải áp dụng công thức hay lộ trình nào cả. Người viết cần lắng nghe trải nghiệm và con người của mình trước, mọi chuyện khác để sau. Suy cho cùng thì, điều quan trọng duy nhất đối với người viết không phải là viết sao cho hay, mà là không bao giờ ngừng viết.

Bản thân mình cũng không bao giờ nhận xét cách viết của ai cả, kể cả khi câu văn của họ khiến mình thấy rối rắm hay khó chịu. Cách họ viết là cách họ tư duy, cách họ trải nghiệm và đó hoàn toàn là thứ hết sức cá nhân. Người ta lý thú là ở chỗ cá nhân, thậm chí là chẳng giống ai như thế. Và dù không thích, mình cũng không bao giờ nghĩ là họ viết sai hay viết không hay. Chừng nào họ vẫn còn viết, chừng đó vẫn sẽ có rất nhiều người khác hiểu và đồng cảm với con chữ của họ, với con người mà họ là.

Mình vẫn còn nhớ khóa học viết gồm 4 buổi của anh Minh Đào - Một khóa học không hề giống với những gì mình đã hình dung. Không ai dạy mình cách lên bố cục, lên dàn ý cho bài viết hoặc các kĩ thuật người viết cần phải luyện tập như mình nghĩ. Minh Đào hướng mọi người vào bên trong, tìm kiếm nguyên liệu viết từ chính trải nghiệm của mình chứ không phải ai khác. Mình ấn tượng nhất với quan điểm: Đừng bao giờ viết để kiếm like hay sự chú ý vì bạn sẽ chẳng viết nổi vài ngày. Rằng hãy viết cho bạn rồi bạn sẽ viết được như thế cả đời. Mọi thứ khác sẽ tự đến như một hệ quả (hoặc không, nhưng kể cả là không thì cũng không sao vì phần thưởng của viết chính là bản thân việc viết rồi).

Trong khóa học này, Minh Đào cũng cho học viên một góc nhìn nghiêm túc hơn về viết. Viết không đơn thuần là một hoạt động khi rảnh. Viết có thể là trải nghiệm thiêng liêng riêng tư mà ở đó người viết có thể tự khám phá bản thân, thấu hiểu và chữa lành những nỗi đau, nỗi sợ vi tế ở sâu trong tâm trí. Viết có thể là công cụ có sẵn để bất kì ai cũng có thể sử dụng và tiếp xúc với thế giới kì diệu bên trong. Viết cho ta cơ hội được một mình trong yên ắng, nạp lại năng lượng, “làm sạch” đầu óc, để trở ra bên ngoài với sự tươi mới và sẵn sàng. Viết theo Minh Đào, cũng chẳng khác thiền là mấy. Bởi vậy, nếu một người đang không viết đúng chính mình và cho chính mình, thì dù họ có viết hay đến mấy, viết cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa. Không ai ngồi thiền để được người khác khen, nên khen chẳng phải là lẽ để viết.

Nếu bạn thực sự muốn giúp một “cây bút trẻ” trưởng thành (chứ không phải chỉ tiến bộ trong cách viết, bởi nó là hệ quả tất yếu của sự “trưởng thành bên trong”), hãy cho họ khoảng trời riêng để được sáng tạo thỏa thích, để viết chẳng vì gì, chỉ vì muốn thế. Khoảng trời riêng để họ được bay lượn tự do, thỏa mãn chính mình chứ chẳng phải ai. Để ngu ngơ, không hoàn hảo, nhưng đổi lại được “nếm” vị giải phóng mãnh liệt mà viết có thể mang đến cho một cá nhân. Hơn cả, là để người viết không quên lý do vì sao mình viết và yêu viết - Thứ nhiên liệu giữ cho ngòi bút của họ không bao giờ vơi mực.

COMMENTS