Healing Journey #1: Về nỗi đau

Mình vẫn luôn tự hỏi, điều gì có thể khiến mình đau đớn và khổ sở đến thế. Nỗi đau là gì, bởi dường như ngay cả khi những người đủ đầy và được yêu thương như mình, nỗi đau vẫn luôn ở đó. Một câu nói xa lạ cũng khiến mình cảm nhận được sự khác thường bên trong: sự nặng nề, căng cứng, buồn bã. Một vật, một người, một tình huống nhìn qua có vẻ không có gì cũng khiến mình thấy thương tổn. Điều gì đang diễn ra bên trong? Tại sao những cảm giác của nỗi đau này lại dấy lên? Tại sao ngay cả khi mọi thứ đều ổn, mình vẫn thấy không ổn?

Lý trí đã đôi phen cứu mình khỏi bóng tối của sự tiêu cực. Những lời an ủi có thể hiệu quả đôi phần: rằng hãy nhìn những người bất hạnh hơn bạn ở ngoài kia chẳng hạn. Lý trí có thể nghĩ ra nhiều thứ có vẻ thuyết phục để bạn thấy tốt hơn đôi chút, nhưng nó không thể giải quyết gốc rễ của vấn đề. Mình phải liên tục củng cố lý thuyết bằng logic để đối trị với những nỗi đau gây ra từ sự ghen tị, nỗi buồn, sự hoang mang, cảm giác thua kém. Giống như mình phải liên tục cãi nhau với chính mình. Sớm muộn gì, nỗi đau cũng sẽ thắng. Mình sẽ chóng mệt và không còn lý lẽ để động viên bạn thân, hoặc những lý lẽ vốn có vẻ hùng hồn rồi sẽ sớm trở nên sáo rỗng. Lý trí không bao giờ có thể đem đến bình yên thực sự, đem đến chữa lành thực sự.

Hành trình tìm về bên trong của mình chỉ mới bắt đầu từ năm 2020, một quãng thời gian thật ngắn ngủi và chưa sâu sắc. Tuy nhiên ở trong hành trình đó, mình đã có những trải nghiệm ban sơ với lĩnh vực nỗi đau ở bên trong. Tại đây, mình bắt đầu quen hơn với việc gần gũi cùng nỗi đau, thay vì trốn chạy và cố tình tỏ ra không quen biết nỗi đau đó. Và với những trải nghiệm còn hạn hẹp, mình cảm thấy bị thôi thúc phải viết một cái gì đó về những gì mình đã và đang học được. Quả nhiên, đây là một chủ đề rất lớn, rất rộng, rất khó viết, và rất choáng ngợp với bản thân mình ở thời điểm này. Nhưng mình muốn viết, đến đâu hay đến đó. Mình cảm thấy cần phải viết ra.

Nỗi đau là gì?

Ở đây, mình chỉ đề cập đến nỗi đau tinh thần. Với mình, nỗi đau tinh thần là một danh từ tạm dùng để chỉ tất cả những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta có: một sự tức giận cũng là nỗi đau, ghen tị cũng đau, buồn bã cũng là đau, tự ti cũng đau, mặc cảm đau, thua kém đau, nhung nhớ đau, thất bại đau, tổn thương đau,… chứ không dừng lại ở việc bạn chỉ đau khi bạn bạn buồn. Mình muốn gọi chung tất cả những cảm giác tiêu cực, khó chịu là nỗi đau.

Nỗi đau xuất phát từ đâu?

Không thể nói đơn giản là nỗi đau xuất phát từ đâu: có những nỗi đau đã ở sẵn trong ta từ rất lâu khó mà truy vết ra được ngọn nguồn (ví dụ như sự mặc cảm tự ti), có những nỗi đau thì đúng là do người khác gây ra, ví dụ bạn bị người yêu phản bội và tổn thương suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, trách nhiệm chữa lành nỗi đau lại phải nằm 100% trong tay ta chứ không phải của ai khác. Chừng nào vẫn còn đổ lỗi, vẫn còn đóng vai nạn nhân, “tại mày mà tao thế này”, thì chừng đó chúng ta vẫn chưa thể chữa lành.

Cho dù là ai gây ra những tổn thương đó, hoặc là không ai cụ thể cả, hành trình chữa lành vẫn chỉ có thể diễn ra khi bạn quyết định chữa lành. Trước quyết định đó, ai cũng thường có xu hướng đổ lỗi, hướng ra bên ngoài: nào là xã hội, gia đình, bạn bè, người yêu,… và luôn cố gắng phớt lờ nỗi đau lâu nhất có thể. Có nhiều liều thuốc giảm đau để chúng ta trốn chạy: xem phim, nghe nhạc, giải trí, tụ tập, trò chuyện, bắt đầu một mối quan hệ mới, đi chơi xa, vùi đầu vào công việc,… Song có một sự thật rằng thuốc giảm đau không thể chữa lành vết thương. Rồi bạn cũng sẽ nhờn thuốc, rồi bạn sẽ thấy thuốc giảm đau không còn giảm đau tốt như trước nữa. Bạn vẫn thấy vết đau nhức ở đó, chỉ là đôi khi bạn có thể quên nó đi mà thôi.

Theo thời gian, tuy chúng ta cũng thường thấy ổn thỏa trên bề mặt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc vết thương đã lành lại. Thỉnh thoảng, hoặc khá thường xuyên, bạn sẽ bắt gặp những triggers – những sự kích-hoạt từ bên ngoài, và nỗi đau cũ lại trồi lên bề mặt của ý thức. Bạn tưởng thời gian sẽ chữa lành tất cả - nhưng không. Thời gian chỉ chữa lành một phần, và không có sự chủ động từ bạn, quá trình đó diễn ra âm ỉ, chậm chạp và khổ sở hơn rất nhiều. Như khi bạn bị thương về mặt vật lý, nếu bạn chăm sóc vết thương kĩ, chỉ cần 1 tháng, vết thương sẽ lành. Còn chỉ trông chờ vào thời gian, có lẽ phải mất đến 3 tháng – mà ấy là với vết xước nhỏ thôi. Với vết thương lớn, khó mà trông cậy vào thời gian được – bạn cần làm gì đó nếu không nó sẽ nhiễm trùng, sẽ lan rộng, sẽ thối rữa và khiến bạn kêu la đau đớn mỗi ngày. Nỗi đau bên trong cũng vậy – nó cần sự chăm sóc trong ý thức của bạn.

Vậy bạn sẽ chủ động chăm sóc nỗi đau như thế nào khi không còn lệ thuộc vào thuốc giảm đau? Trước khi chỉ cho bạn chiếc chìa khóa cho toàn bộ hành trình chăm sóc nỗi đau, mình muốn nói sơ qua về trigger.

Ảnh: Unsplash

Trigger là gì?

Mình muốn dùng tiếng anh, vì trigger là một từ ngắn và cũng không còn quá xa lạ. Trigger (n) hiểu đơn giản là sự kích hoạt, sự kích động. Trong phạm vi nỗi đau, trigger chính là một người/một vật/một tình huống/một câu nói,… khiến cho nỗi đau ở bên trong bị kích hoạt. Ví dụ, khi bạn nghe nhận xét “hồi trước xinh hơn nhỉ” chẳng hạn, thì dù người nói không có ý khiến bạn đau, bạn vẫn thấy có gì đó như là tổn thương ở bên trong. Câu nhận xét đó có thể coi là một trigger. Hoặc bạn có ác cảm với một người vì họ hay khoe khoang (chứ không phải vì họ làm gì hại bạn), rồi khi gặp họ bạn thấy khó chịu ở trong lòng, sự khó chịu đó có thể là vì người đó khiến bạn thấy tự ti. Thì người đó cũng được coi là một trigger. Bất kì điều gì gợi lên sự khó chịu ở bên trong bạn, đó đều được coi là trigger.

Nhưng đừng nhầm lần giữa trigger và lý do của nỗi đau. Lý do của nỗi đau thì xa xưa và phức tạp, cuộn xoắn, trùng điệp hơn thế nhiều: như trong phần nỗi đau xuất phát từ đâu?, có thể lý do là vì một người, một trải nghiệm trong quá khứ, cũng có thể là nó ở đó từ rất lâu rồi mà bạn chưa đủ trí tuệ để soi rõ ngọn nguồn. Nên nhớ rằng, trigger chỉ giống như một chiếc que gỗ. Còn nỗi đau là bùn lắng ở dưới đáy hồ. Chiếc que gỗ có thể khuấy bùn lên trên bề mặt để bạn nhìn thấy bùn, chứ nó không tạo ra bùn. Dù vậy, chúng ta vẫn thường xuyên cho rằng chính triggers là những thứ khiến chúng ta đau, và vì thế cố gắng trốn tránh chúng nhiều nhất có thể.

Thực tế, triggers lại là đồng minh và chúng chính là lời mời nỗi đau ở dưới tầng vô thức được trồi lên bề mặt ý thức – nơi ta có thể ngắm nghía nỗi đau, cảm nhận, thấu hiểu và chữa lành chúng. Bạn không cần phải cố tình gặp gỡ các triggers, nhất là khi bạn chưa có khả năng quan sát nỗi đau. Tuy vậy bạn cũng không cần phải cố tình trốn tránh chúng – bởi vì bất kì khi nào bạn bị kích động – lúc đó chính là cơ hội để bạn được quan sát và chuyển hóa các nỗi đau một cách sâu sắc và rốt ráo.

Mối quan hệ giữa nỗi đau tinh thần và cơ thể - chìa khóa mở cánh cổng chữa lành

Thân và tâm là hai thành phần không thể tách rời tạo nên cái gọi là con người. Bất kỳ điều gì xảy ra với tâm đều xảy ra với thân – cùng một lúc. Tại sao những cảm xúc khó chịu lại đau? Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại dùng tính từ “đau”. Mọi cảm xúc khó chịu (hoặc suy nghĩ bất thiện trong tâm) đều tác động lên cơ thể, tạo ra cảm giác đau tương tự như cảm giác đau vật lý, chỉ khác là nó diễn ra ở bên trong chứ không phải ở bên ngoài cơ thể.

Tất cả những cảm xúc đó đau – vì chúng đều tác động lên thân thể. Một sự co cứng ở bụng, một sự nghẹn ứ ở cổ, sự khó chịu và cồn cào trong cơ thể,… đều được sinh ra khi cảm xúc tiêu cực dấy lên trong tâm. Bất kì điều gì xảy ra trong tâm đều biểu hiện qua cơ thể: tức giận khiến bạn “sôi máu” – và đúng là nếu bạn có đủ tỉnh giác để chú ý đến cơ thể trong lúc tức giận, bạn sẽ phát hiện ra có cái gì đó đang cuộn trào bên trong vùng bụng, một năng lượng mạnh đang dồn lên cổ khiến vùng họng nghẹn ứ và bạn muốn nôn nó ra – bằng cách hét lên, nói những từ ngữ nặng nề, chửi bới,… Bạn cố gắng giải phóng sự sục sôi bên trong bằng các hành động tay chân. Khi bạn buồn, vùng bụng chùng xuống, thấy cơ thể thật nặng nề.

Rõ ràng, cảm xúc không phải chỉ là chuyện của tâm trí. Rõ ràng, cảm xúc của tâm liên quan vô cùng mật thiết tới những cảm giác trên thân thể - và chính những cảm giác trên thân là thứ khiến chúng ta phản ứng lại bằng một chuỗi hành động nào đó, với mong muốn thoát khỏi sự khó chịu trên cơ thể. Nói cách khác, khi một tình huống khiến chúng ta tức giận và phản ứng, thì chúng ta đang không phản ứng với tình huống đó. Chúng ta đang phản ứng với các cảm giác khó chịu đựng bên trong cơ thể.

Tâm trí và cơ thể liên kết như hình với bóng - hẳn không khó để hình dung, bởi cũng giống như khi thấy tích cực, thấy vui, chẳng hạn như vừa được khen, bạn sẽ thấy cơ thể thật là nhẹ nhàng, tươi tắn. Bạn thấy dễ chịu vô cùng, một cái gì đó thật thanh thoát đang lưu chuyển khắp cơ thể, khiến bạn thấy nhẹ nhõm và muốn bay lên. Làm gì cũng thật dễ dàng khi bạn thấy vui – hay khi cơ thể bạn thấy tràn ngập năng lượng thanh và nhẹ.

Sự thật: bất kì điều gì xảy ra trong tâm đều biểu hiện ra bằng các cảm giác trên cơ thể (dù bạn có khả năng nhận ra hay không) chính là chìa khóa mở cánh cửa chữa lành. Cái thấy về sự thật này chính là chìa khóa trên con đường thanh lọc những bất tịnh vẫn thường xuyên dấy khởi lên trong ta, mỗi ngày, mỗi giờ. Giờ bạn hãy cầm chắc chiếc chìa khóa đó trong tay, và cùng mình mở cửa thế giới của sự chữa lành – chữa lành sâu sắc và triệt để, chứ không phải chỉ chữa lành triệu chứng trên bề mặt. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ viết về cách sử dụng sự thật này để chữa lành và chuyển hóa sâu sắc các nỗi đau.