Khoảng thời gian đẹp nhất là khoảng thời gian không thể quay trở lại.

"Về Hà Nội, bọn mình có thân được như thế này nữa không?".

Mình không nghĩ sẽ viết về Xuân Hoà, lại càng không nghĩ sẽ viết về nó vào thời điểm 2 năm sau khi kì quân sự kết thúc. Một tháng - 32 ngày, ở một nơi cách Hà Nội chỉ vỏn vẹn 40km, giữa những ngày hè nắng nóng cháy da thịt, dường như với mình, là quãng thời gian quá đỗi nhàm chán bởi mình không thể la cà mỗi tối như vẫn quen trước đó. Phải tạm gác lại những cuộc đi chơi, những dự định ở Hà Nội tận 1 tháng, chỉ để mỗi ngày lặp lại đúng một chuỗi hoạt động theo đúng một trình tự cứng nhắc, thực sự không hề có chút hấp dẫn. Anh chị bảo, Xuân Hòa vui lắm, một tháng vô não, những chuyện tình chớm nở, những tình bạn thăng hoa, cứ đi đi rồi em sẽ nhớ. Thôi đừng sến sẩm, mình hoàn toàn chẳng mong đợi điều gì ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy cả, mình chẳng hiểu nó sẽ đáng nhớ ở điểm gì đâu.

Để mình xem, ừ thì thời gian trôi qua quá nhanh và nó vội vàng phủ lên kí ức những lớp bụi mờ, tuy nhiên cố phủi đi thì chắc vẫn nhớ ra nhiều điều nhỏ nhặt. Một ngày của một con người Ngoại thương trên Xuân Hòa những ngày tháng 5 năm ấy chỉ có thể tóm gọn bằng một từ: Chán. À ừ thì, sáng sớm 5 giờ đã nghe một tiếng kèn hú hết sức quen thuộc, quen đến mức có thể coi là ám ảnh vì nó không chỉ hú lúc 5 giờ sáng đâu, mà còn hú cả lúc 13h nữa nếu mình nhớ không nhầm. Và ngay sau tiếng hú, mọi người đều vội vã chạy xuống dưới sân để tập thể dục, không khác mấy bài hít thở, vươn vai, lườn hồi cấp II, cấp III là mấy. Mặt mũi thì cứ nhắm mở mà đi thôi, chẳng phấn son gì. Xong xuôi, chúng mình ổn định về phòng, dọn dẹp (đấy là với những ngày đầu), đánh răng rửa mặt, coi như là xếp hàng chờ nhau sốt hết ruột. Nếu đứa nào ghét cảnh chen chúc này, chỉ cần chăm chỉ chịu khó dậy sớm hơn 5 phút, là hoàn toàn có thể thảnh thơi đặt ghế ngồi trước ban công nhâm nhi đồ ăn sáng do lớp trưởng hoặc ai đó đại loại lớp trưởng mang đến tận phòng (nhưng đôi khi cũng phải tự tìm lớp trưởng để lấy đồ ăn). Tiếp sau bữa sáng, chắc chắn là buổi học quốc phòng. Tùy hôm mà nội dung học cũng hơi hơi khác nhau, nhưng về cơ bản thì cũng giống nhau. Đa phần, chúng mình ngồi học trong hội trường, và thầy cứ việc nói, còn những con người ở vị thế "đám đông vô định" (dùng từ của Murakami) cứ việc nghe thì nghe, không nghe thì...kiếm việc khác làm: ví như xem phim này, lướt facebook, đọc sách, nghe nhạc chẳng hạn, và tất nhiên, với điều kiện không được để thầy phát hiện ra. Thi thoảng chúng mình được học ngoài trời. À, không rõ nên dùng từ "được" hay từ "bị" ở đây, bởi vì học ngoài trời nghe thì có vẻ thú vị, song thực tế là gần giống như ngồi phơi nắng, đặc biệt buồn ngủ thì không biết gục vào đâu. Kết thúc ca học sáng sẽ là một bữa trưa được chuẩn bị theo từng suất riêng biệt, gồm có thịt, rau, canh, giò, chả, nem,.. tùy bữa. Với mình thì bữa cơm nào cũng ngon, một phần vì cũng mệt, một phần vì ở Hà Nội mình nấu ăn chán lắm, suốt ngày qua loa đến mức thiếu máu cơ mà, nên đi Xuân Hòa đến bữa cứ có một khay đồ ăn thế này là đã đủ làm vừa lòng đứa như mình. Tầm trưa, chúng mình có chắc nhiều nhất cũng là 30 phút để ngủ, rồi lại loay hoay dậy học ca chiều. Tiếp đến, hiển nhiên là bữa tối, và sau bữa tối...À, sau bữa tối là lúc câu chuyện có thêm nhiều tình tiết mới rồi đây.

Cùng nhau đi ăn trưa, vào một ngày mưa nào đó

Mỗi chiến sĩ được phát 2 bộ quân phục, 1 chiếc mũ tai bèo. Làm gì thì làm, cuối khóa mà mất đồ là rắc rối đấy. Bộ quân phục chắc chắn là để mặc đi học, và hơn cả là để mặc điểm danh quân số đột ngột vào những lúc mà thầy thấy thích. Thường thì mình sẽ không thay quần quân phục nếu cho rằng hôm nay sẽ có lệnh tập trung bất ngờ, tuy nhiên về cơ bản mọi người, gồm cả mình đều sẽ rơi vào tình cảnh thay đồ siêu tốc trong vòng 3 phút, chỉ để chạy xuống sân cho kịp. Đứa nào xuống muộn thì coi như tiểu đội ăn hành, phạt gì, như thế nào thì mình không rõ, phần vì cũng lâu rồi, phần vì hình như lớp mình chưa bị phạt vì ai xuống muộn bao giờ?

Lên Xuân Hòa mà không chơi ma sói, uno, mèo nổ thì coi như là bỏ lỡ cả Xuân Hòa. Đây là bộ ba trò chơi máu lửa nhất nơi đây, và tất nhiên chỉ có vào buổi tối thì mọi người mới có thể đặt mông xuống mà quây quần bên nhau. 10 giờ, theo nguyên tắc thì phải tắt đèn đi ngủ, song trên thực tế, đèn cứ việc tắt còn người cứ việc chơi bời. Phòng mình thì cũng hiền lành, không bia rượu lén lút, không bài bạc thâu đêm, nhưng theo như lời đồn thì có phòng nếu không nấu mì tôm ăn tập thể, thì cũng uống tí rượu bia, chơi tí board game, bài tây gì đó. Phòng nào gan lắm thì vẫn lén lút chạy sang phòng khác đùa nghịch (nhưng chắc là chỉ có những ngày cuối mới dám làm vậy). Nói cách khác, lúc màn đêm buông xuống nơi vùng đất Xuân Hòa, cũng là lúc mà những chiến sĩ K55 ngày ấy tung hoành một góc mặc cho sự "dọa nạt" của các thầy. Dù là thế, đêm Xuân Hòa cũng đâu chỉ có những trò nghịch được bày ra. Đôi khi, tất cả những gì chúng mình làm chỉ là ngồi cạnh nhau trên lan can tầng 4, ngắm nhìn khoảng trời nhỏ nhưng quang mây, vầng trăng treo ngay phía trước cửa, khi thì hát, khi thì im lặng nghe Xuân Hòa Confessions, khi thì nói bâng quơ vài câu, hoặc thả hồn bay đi đâu trong gió. Chỉ thế thôi, và ai cũng làm vậy. Mọi người chỉ đơn giản là đặt ghế ra trước lan can rồi vịn hẳn người vào đó mà tựa. Những đêm ấy, bầu trời khu Trung Tâm lúc nào cũng đẹp, không biết khu Cơ Điện như thế nào?

Cùng nhau hát hò, cho qua đi những đêm hè cũ

"Các chiến sĩ, các đồng chí học tập và rèn luyện ở Xuân Hòa, mà chưa một lần bị phạt, tôi thực sự cảm thấy đó là một sự bỏ lỡ đáng tiếc."

Hiển nhiên là mình đã từng bị phạt, có lúc với phòng, có lúc với cả khóa. Hình phạt trên Xuân Hòa thì muôn hình vạn trạng, anh chị kể, có móc cống, có quét sân, có tưới cây, có gấp chăn. Mình thì chỉ nhớ được, là chúng mình đã phải gấp chăn giữa trưa nắng đổ lửa, và chạy vài vòng quanh sân (bao gồm cả sân bóng). Không biết trong số những con người hồi ấy, có ai từng cố tình để "được" phạt chưa?. Bị, hoặc được phạt, là một điều, với mình mà nói, thật may mắn. Xuân Hòa sẽ không thể trọn vẹn, nếu chưa từng trải qua một hình phạt nào đó, cùng nhau.

Lên Xuân Hòa thì học hành bài vở là một điều quá đỗi xa xỉ, và thể thao trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Ở Hà Nội, mấy khi thấy mọi người tụ tập đá cầu hay chơi bóng, nhất là với FTU, một ngôi trường đã nhỏ như cái lỗ mũi, huống hồ toàn là nữ sinh. Thế nhưng ở Xuân Hòa, rảng rang quá thì phải kiếm trò mà chơi. Mình hay chơi đá cầu nhất, nhưng nhiều bạn cũng chọn bóng chuyền, bóng sọt, hoặc đơn giản là chạy bộ vào mỗi chiều muộn, sau khi học ở hội trường và trước khi ăn cơm. Riết rồi quen, vận động trên Xuân Hòa là điều gì đó hết sức vui vẻ, dễ chịu, chiều nào không ai xuống chơi là thấy khoảng sân vắng tanh, buồn não ruột. FSC cũng tổ chức cuộc thi thể thao, và phòng 4.2, 4.3 hiển nhiên không thể vắng mặt. Mình nhớ nhất vẫn là lúc mà mình bị "ai đó" dẫm qua lưng. Thực sự mình không nhớ nổi đấy là một phần của trò chơi gì, và "ai đó" là ai. Phải nói là sau 2 năm, nhiều chi tiết đã bị mờ nhòa, nhưng kể cả khi nó không còn nét như một bức hình mới chụp, mình vẫn xin được giữ nó mãi trong lòng.

Ngoài bóng sọt, là môn dành cho các bạn nữ nhi, thì nam nhi chắc chắn là có bóng đá. Mình chẳng rõ FSC tổ chức giải bóng đá gì, chỉ biết là đến khi đá bán kết thì mọi người mới bắt đầu để ý tới. Nhớ nhất có lẽ vẫn chỉ có thể là trận chung kết, ăn cơm cái gì, xem hết đã. Không nhớ ấy là hai đội của khối nào, lớp nào, nhưng chắc có liên quan đến khối của mình nên lũ 4.2 mới cổ vũ nhiệt tình như thế. Mặt trời đã buông đỏ một góc trời rồi, trời chuyển màu từ trong xanh xuống tím than rồi hòa vào sắc hồng của chiều tàn. Sao chúng mình vẫn đứng đó, chưa về?

Bức ảnh này, mình chụp trong trận bóng cuối cùng có đúng không?
Muộn rồi, đi ăn cơm thôi các cậu...

32 ngày.

Mình có thể để ý nhiều chuyện, riêng việc, rằng mình chỉ có vỏn vẹn, chỉ vỏn vẹn đúng 32 ngày như thế này thôi trong cả 4 năm học đại học, trong cả cuộc đời, thì lại không mảy may để ý. Ngay từ đầu, cảm giác như mình đã là một chiến sĩ nhỏ may mắn. Vì được ở cùng 4.2, ngay cạnh 4.3, trên tầng 4. Vì được cùng mọi người làm nhiều điều vụn vặt nhưng vui vẻ đến vậy. Đã từng ma sói, uno, mèo nổ, đã cùng mọi người ăn sinh nhật cho đám con người sinh tháng 5, 6, từng ăn vịt, chè, tào phớ, đã từng được phạt, và đã từng đi gác lúc mọi người vẫn còn say ngủ. Có lẽ là trọn vẹn. Có lẽ là giờ nghĩ lại thì mới cảm hết được quãng thời gian ấy.

Thực ra Xuân Hòa còn nhiều điều để kể lắm, toàn thứ lẻ tẻ thôi. Nào là những chuyện tình cảm nắng, nào là viết confession cho nhau, nào là thăm nuôi, nào là mình bị ăn banh vào đầu và được đền trà sữa, nào là cùng nhau xem "Em nữa là 12". Và có lẽ còn nhiều thứ mình chưa kịp nhớ hết. Cảm giác rõ ràng vẫn muốn viết gì thêm, nhưng mặt khác không rõ là muốn viết điều gì. Đành tạm coi sự mâu thuẫn này như một nỗi-cảm-giác-không-thể-diễn tả, chỉ để cảm, chứ không cần thiết viết ra thành lời.

Đêm cuối bên nhau.

Đêm cuối ở khu Trung Tâm, mình đã cảm thấy gì nhỉ? Hay là không gì cả? Thôi thì dù sao ngày mai cũng về lại Hà Nội, chỉ mong chúng ta vẫn giữ trong mình Xuân Hòa này.

"Về Hà Nội, bọn mình có thân được như thế này nữa không?"

Câu trả lời rõ ràng đã có từ lâu. Ừ, là nơi tình yêu bắt đầu, là nơi tình bạn thăng hoa, nhưng anh chị bảo rồi, thứ gì xảy ra ở Xuân Hòa thì sẽ ở lại Xuân Hòa mà thôi. Nhưng mà, kể cả khi không có điều gì sẽ còn giống như lúc ban đầu nữa, thì mình tin khi chúng ta quay đầu ngoảnh lại, 32 ngày ấy vẫn còn đó, đủ để chúng ta ôm mộng nhớ thương. Thứ làm cho một khoảng thời gian đẹp đẽ, thực ra chả phải chính là vì chúng không thể được sống lại một lần nữa hay sao?

2019. Hai năm nhưng mình cứ ngỡ như hôm qua thôi. Bất chợt viết nhân dịp em gái cũng sắp sửa xách vali lên Xuân Hòa.

Trân trọng mọi thứ nhé. Vì giây phút này ấy, nó chỉ xảy ra duy nhất một lần trong đời mình thôi.

COMMENTS