Mấy niềm tin không căn cứ
Từ hồi biết đến Phật Pháp, mình đã tự nhủ với bản thân không nên dùng ngôn từ để an ủi quá nhiều. Kiểu như phải cố giữ tâm trí tĩnh lặng rồi cảm nhận sâu sắc cảm giác thì mới tiến bộ được. Ví dụ khi lo, không nên đi xem video động viên, search google “cách giảm lo lắng”,… mà chỉ nên ngồi im thở và cảm nhận cảm giác lo thôi. Bởi nó sẽ qua và mình sẽ nhận ra nó giả đến mức nào. Nó bỗng đến, bỗng đi, kệ nó. Song giờ mình không còn quá cứng nhắc với bản thân như vậy nữa. Khi chánh niệm còn yếu, mình vẫn không quan sát được nỗi lo như một đối tượng mà dễ đồng hóa bản thân với nó. Lúc này, mình không cần phải trách bản thân hay ép mình phải làm đúng điều các bậc thiền sư dạy.
Mình cho phép việc sử dụng ngôn từ để xoa dịu nỗi bất an. Nghĩa là, mình sẽ bám vào một số niềm tin không cần căn cứ gì cả, đầy duy tâm, để thấy nhẹ nhõm. Mình từng nghĩ vậy thì yếu đuối lắm, cái an này chỉ là vay mượn thôi. Giờ thì phẩy tay, mình còn là kẻ phàm phu mà, kẻ phàm phu với tuổi còn trẻ, non nớt hoang mang có gì là xấu đâu. Mình hoàn toàn được dùng ngoại cảnh để hỗ trợ bản thân trong những lúc khó chịu hay rối loạn. Cụ thể là tìm đến những niềm tin không căn cứ nhưng có khả năng an ủi ngay lập tức.
What you seek is seeking you – Điều gì mình tìm đều đang tìm mình
Mà mình muốn tin luôn là nó sẽ luôn tự tìm đến mình dù mình còn không để tâm hay biết đến sự tồn tại của nó. Cho dù đó là một mối quan hệ, một công việc, một con người, một sự kiện,… thì những gì mình cần gặp, cần làm, cần trải nghiệm sẽ tự đến với mình bằng một cách nào đó, vào thời điểm chính xác nhất. Mình sẽ không thể thúc giục quá trình, giống như không ai có thể bắt một bông hoa nở vào lúc họ muốn. Khi cứ mất kiên nhẫn rồi cố đẩy nhanh tiến độ, mình sẽ chỉ chuốc thêm lo âu và khổ sở.
Trong quyển “Thí nghiệm đầu hàng”, tác giả - Michael A. Singer kể về hành trình xây dựng hai công ty tầm cỡ thế giới Personalized Programming và Medical Mangager. Ông thừa nhận mình thành công không phải nhờ chiến lược hay kế hoạch thông minh. Bởi thành công là nút giao của vô vàn biến số, kế hoạch của ông chỉ là một trong số những biến số đó mà thôi (giống như khái niệm Vô Ngã trong đạo Phật ấy, mọi thứ đều là duyên sinh). Michael liên tục cảm thấy mình được dẫn đường và giúp đỡ vào đúng thời điểm. Hẳn nhiên trong suốt hành trình, có những điều ông thích, có điều ông ghét, song tất cả đều đưa ông đến chính xác nơi ông cần. Tác giả nói, ông chỉ việc “đầu hàng” và để cuộc đời quyết định.
Nhưng đầu hàng không có nghĩa là ngồi im rồi để đời ra sao thì ra. Hiểu lầm ý tác giả như vậy thì oan cho ông ấy quá. Đầu hàng ở đây chính là làm hết mọi thứ trong phận sự, và chấp nhận quá trình tự hiển bày của tự nhiên dẫu kết quả là “xấu” hay “tốt” theo nhận định của bạn đi nữa. Như khi đã làm xong việc của mình rồi, thì mình sẽ bật chế độ niềm tin là tự nhiên, Đạo, Tao sẽ lo liệu phần còn lại. Cái gì mình cần trải nghiệm ắt sẽ tự tìm đến mình, nó không phụ thuộc vào ý chí của bất kì ai. Phải kiên nhẫn, phải biết chờ đợi và sống trọn vẹn kể cả khi đang chờ đợi. Thời điểm là một yếu tố rất quan trọng. Phải đến đúng thì, bông hoa mới tự nở.
Mọi thứ xảy ra đều có lý do hay everything is connected
Nghe quen chưa? Dù ai cũng nói câu này nhưng mình chưa bao giờ thấy nó cũ hay cliché. Với mình nó luôn có sức mạnh an ủi cực kì lớn. Có lẽ một số bạn sẽ không thích niềm tin kiểu này, vì nó nghe như một câu động viên vô tâm, vô trách nhiệm. Nhưng nếu bạn tự dùng nó (chứ không phải nghe người khác nói), thì câu này sẽ bớt gây khó chịu hơn.
Mình luôn tin là mỗi sự việc dù nhỏ nhất, xảy ra đều có lý do. Và tất cả đều được kết nối với nhau trong mạng lưới khổng lồ. Chúng liên kết với nhau theo cách chằng chịt, trùng điệp, không thể nhìn thấy/cảm thấy bằng giác quan thông thường. Kiểu bất khả tư nghị ấy. Dùng logic và suy luận thì không thể hiểu được. Để mình kể bạn nghe. Mình không bao giờ nghĩ là một chuyến leo núi cho vui nọ lại khiến mình gặp được someone rồi xách vali vô Sài Gòn sống và làm việc hẳn. Mình cũng không bao giờ nghĩ một người chị mình gặp thoáng qua ở Hà Giang 2,3 năm trước lại là người đề nghị cho mình ở nhờ khi mình mới vô Sài Gòn. Hay lắm. Hẳn bạn cũng có nhiều trải nghiệm mà chúng liên kết với nhau rất tài tình vi diệu như thế.
Đấy là chuyện tốt, còn khi chuyện có-vẻ-xấu xảy ra thì câu này còn thích hợp để tự an ủi hơn. Như là khi bạn bị từ chối, bạn buồn đau nhưng bạn đâu có biết nó đã bảo vệ bạn khỏi điều không phù hợp – vốn sẽ khiến bạn khốn khổ hơn nhiều. Rồi khi xe bạn bị hỏng, phải hủy buổi đi chơi, biết đâu nó giúp bạn thoát khỏi mấy chuyện xui xẻo như té ngã hay tai nạn trong chuyến đi thì sao. Chẳng ai biết được! Cái gọi là may - xui chỉ là nhận định chủ quan của tâm trí. Bản chất mọi sự là như chúng là, xảy ra với lý do riêng. Cái bạn gọi là ‘đen nhất quả đất’ đôi khi lại đang mở ra một may mắn khác, như trong câu chuyện 'Tái ông thất mã' vậy. Nên là cứ đón nhận mọi sự thôi. Nghe thì self-help, nhưng mindset “mọi thứ xảy ra đều có lý do” sẽ giúp chúng ta dễ chấp nhận mọi khung bậc cuộc đời.
Tất cả chỉ là bài học
Và đương nhiên, nếu “mọi thứ xảy ra đều có lý do”, thì lý do tối thượng nhất chính là mọi sự kiện đều dạy cho chúng ta những bài học tâm linh. Đó là bài học thấy ra bản chất của chính mình, thấy ra sự thật của cuộc đời. Tâm trí gán nhãn “tốt-xấu”, “may-xui” cho các trải nghiệm ra sao, cũng đều không quan trọng. Các cặp đối đãi này chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu thôi mà. Lúc đang vui thì vui cũng đang hết. Lúc đang buồn nghĩa là buồn cũng đang vơi. Cảm giác vui ra đi, ta gọi nó là nỗi buồn. Khi nỗi buồn tiêu giảm, ta nói mình đang vui lên. Mấu chốt không phải là trốn khổ tìm vui, mà là trải nghiệm tất cả với sự tỉnh thức để nhìn thấy tự tính vô thường của tất cả.
Bạn biết đấy, ai cũng phải chết. Không lẽ chúng ta chỉ đến đây để ăn, ngủ, hưởng thụ, đau khổ luân hoàn rồi ra đi sao? Bộ mục đích của niềm vui là để thỏa mãn ngũ quan còn đau khổ là để “dằn mặt” chúng mình cho đã sao? Nên là phải có bài học gì đó được đưa đến, cao hơn tất thảy chứ! Thiền sư Goenka đã nói không ngần ngại rằng “mục đích của cuộc đời là để giải thoát mọi khổ đau”. Tất cả chỉ là bài học để ta nhận ra con đường giải thoát khổ đau nằm ở bên trong mình.
Ừ chẳng có niềm tin nào có lập luận chống đỡ - như mình đã nói và bạn cũng đã biết. Nhưng tin là một lựa chọn. Người ta tin điều mình muốn tin, vì nó đem lại sự xoa dịu và vỗ về vào những lúc mong manh nhất. Song mình không lạm dụng chúng, mình cũng không muốn ai lạm dụng lời lẽ động viên/niềm tin huyền bí để rồi bám víu vào chúng mà quên lãng rằng trí tuệ mới đích thực là thứ giải thoát ta khỏi phiền não khổ đau. Niềm tin chỉ là thuốc giảm đau, lâu lâu xài cũng được. Nhưng xài nhiều quá thì coi chừng nhờn thuốc, mà cơn đau thì còn tệ đi á!