Một thoáng an

Vào một buổi chiều, giữa cảm giác căng cứng bên trong, mình bỗng nhận ra một điều: Rằng mình sẽ không bao giờ hết sợ sệt, hết nhạy cảm, hết suy diễn, hết bồn chồn, hết bất an, hết tự ti, hết sân si, hết ghen tị, hết khó hiểu, hết...gì đó. Không bao giờ.

Chừng nào mình vẫn còn là một con người chứ không phải một vị thánh, thì những cảm giác khó chịu vẫn sẽ dấy lên, lúc này hay lúc khác. Mình không bao giờ có thể loại bỏ những suy nghĩ xấu xa, những cảm xúc tiêu cực. Cho dù mình có đọc bao nhiêu sách về tâm linh/tinh thần, cho dù mình có tự nhắc nhở mình về Pháp, về hơi thở. Cho dù mình có ngồi thiền.

Nhưng bất chấp tất cả những thứ đó, mình vẫn có thể AN. Mình nhận ra, mình đâu cần xua đuổi chúng. Bởi vì cuộc đấu đó là không tưởng, là phi lý. Vui - buồn, ghét - yêu, tức giận - chấp nhận, chúng chỉ hai cách biểu hiện khác nhau của cùng một nguồn năng lượng. Hết khó chịu thì là dễ chịu, hết dễ chịu thì là khó chịu. Chúng chỉ là một năng lượng nhưng biểu hiện ra vào những thời điểm khác nhau tùy theo duyên. Làm sao có thể chỉ bám lấy niềm vui và xua đuổi nỗi buồn được? Trừ khi niềm vui cũng không tồn tại. An không phải là hết những bất tịnh. An là chấp nhận sống chung với bất tịnh mà không tranh đấu.

Trốn tránh và xua đuổi những cảm giác khó chịu rốt cuộc chỉ khiến mâu thuẫn nội tại trở nên lớn hơn, đem đến nhiều khổ sở hơn. Tại sao phải phán xét chính mình khi ghen tị, rằng ghen tị là xấu xa, cần phải loại bỏ để có bình an? Ghen tị là một phần của con người. Nó là một cảm xúc, là một bằng chứng cho thấy phần rất người của chúng ta. Chừng nào vẫn còn đè nén nó, vẫn còn xua đuổi nó, chừng đó ta sẽ vẫn còn vật lộn, vẫn còn thương tổn. Cách duy nhất là hoàn toàn chấp nhận sự ghen tị, thở cùng với nó khi nó đến, có mặt cùng với nó và cho nó trong giây phút hiện tại. Đó cũng là điều cần làm khi ta bị bất kì một cảm xúc nào khác có-vẻ-sai xâm chiếm. Ngay giây phút sự chấp nhận diễn ra, ngay đó tâm có an yên. Và cũng ngay đó, cảm giác khó chịu sẽ được chuyển hóa.

Đừng cố tỏ ra lãnh đạm, đừng cố tỏ ra không quan tâm để lừa bản thân rằng mình đang ổn, rằng sự việc không khiến mình phiền lòng. Hãy trung thực hoàn toàn với sự xáo trộn đang diễn ra ở bên trong. Cho dù chúng có là gì, chúng cũng không phải là điều sai trái, xấu xa hay đáng xấu hổ. Chúng chỉ là một phần không thể thiếu của một con người. Cần phải đối diện, cần phải chấp nhận, cần phải trải nghiệm chúng thật trọn vẹn mà không trốn tránh. Cảm giác khó chịu không phải là kẻ thù, chúng là bài tập quan trọng cho sự phát triển tâm linh. Cảm giác khó chịu sẽ đến rồi đi, đi rồi đến liên tục trong suốt cả cuộc đời. Thay vì bắt bản thân phải đấu tranh liên tục cho đến chết, chi bằng hãy cho phép chúng tự sinh - tự diệt trong cái biết tỉnh thức.

Khi hiểu được bản chất của các loại cảm giác dễ chịu - khó chịu và tính vô thường của chúng, ta nhận ra cảm giác gì suy cho cùng cũng không quan trọng. Chỉ cần biết, chỉ cần cho phép, chỉ cần ngắm nhìn dòng sông cảm thọ đang trôi qua trước mặt, là ta đã có tự do, có bình yên rồi.

Cho phép tất cả, vậy thôi.

COMMENTS