Niềm vui sáng tạo

*Bài viết miên man này được truyền cảm hứng từ sách The Artist’s Way của Julia Cameron

Sáng tạo không là món quà dành riêng cho cá nhân nào mà là bản năng có sẵn của tất cả mọi người. Mình tin ai cũng có khả năng sáng tạo dồi dào, vô tận, dùng không bao giờ hết, càng dùng thì càng nhiều. Sáng tạo ở sẵn đó – như máu luôn có sẵn trong mình. Chỉ cần bỏ đi các rào cản là có thể tiếp xúc được với nguồn năng lượng đó. Nó chưa bao giờ đi đâu cả.

"Just as blood is a fact of your physical body and nothing you invented, creativity is a fact of your spiritual body and nothing that you must invent." - Julia Cameron

Mình cảm thấy cần học lại cách sáng tạo bởi cảm xúc chán chường thường xuyên quay trở lại. Trước kia, mình ít khi tự hỏi tại sao sự chán cứ lặp lại nhiều như thế. Mình không nghĩ về “chán” như một cảm xúc tích cực mà coi nó như 1 “vấn đề” cần xua đuổi, cần né tránh. Thực ra, nó là lời nhắc nhở để mình nhìn lại cuộc sống và thêm vào đó gia vị của sự tươi mới. Sự tươi mới ở đây là của bên trong, hơn là tươi mới về bên ngoài (ngoại hình, vật chất hay du lịch). Đọc The Artist’s Way, mình biết bên trong luôn tuôn chảy dòng chảy sáng tạo và mình nắm trong tay quyền làm mới cuộc sống – trong hiện tại. Niềm vui đến từ sự tươi mới là một lựa chọn – không phụ thuộc vào công việc mình đang làm hay nơi mình đang ở. Mình từng cam chịu sự nhàm chán như một phần tất yếu của công việc 9-5. Mình chờ đợi tương lai của một Freelancer để được đi đây đi đó. Mình từng trao toàn quyền vui - chán cho ngoại cảnh mà quên mất kẻ thực sự có quyền định đoạt điều đó là ai.

Nhìn lại khi chán thì mình làm gì? Mình làm các hoạt động rút-cạn (Energy-draining activities) như xem Youtube, TV, đọc báo, xem phim, nghe nhạc… vì ai cũng bảo đó là những cách giải trí hiệu quả. Đúng là chúng có tính giải trí. Làm một lúc thì cũng vui, nhưng lâu hơn thì mình bắt đầu mỏi mắt, mệt người, đau đầu, xáo trộn tâm trí vì phải tiếp xúc với quá nhiều thông tin đầu vào hổ lốn, thậm chí là độc hại. Sau 2-3 tiếng, mình vẫn không thấy hết chán. Sao cứ có cảm giác mòn mỏi, vật vờ, không đúng lắm? Mình như một con Zombie vận hành rất bị động. Như một cái đồng hồ được lập trình để tích tắc. Vô hồn, lê lết, chờ cái gì đó mà không biết chờ gì. Đó là lối sống đó thiếu đi sự chủ động vui chơi. Trong khi đó, tâm hồn lại luôn cần “chất dinh dưỡng” tươi mát từ việc tạo ra điều mới mẻ, y như cơ thể cần không khí để thở.

Cái làm cho chúng ta cảm thấy háo hức và có sức sống là các hoạt động mang tính sáng tạo (Creative actitivies) – Bởi đó là chất liệu làm nên sự sống động bên trong. Chúng có sự kết nối với bản chất của trái tim con người: tò mò, sáng tạo, vui chơi. Nhưng tại sao ta không làm? Chúng ta đã lớn lên trong xã hội dạy cho chúng ta về mục đích: Học để thi, làm để kiếm tiền. Chúng ta hỏi: “Để làm gì? Được gì không?” trước khi làm bất kì điều gì mới vì ta đã được nuôi lớn trong nền văn hóa mục đích. Khi thử làm một điều mới mẻ như vẽ vời, viết lách, nấu ăn, trồng cây, trang trí,… não trái sẽ chống cự không ít vì nó cần thấy được làm thế có ích gì không. Ta thà làm thêm giờ để có thêm tiền còn hơn làm những thứ có vẻ “không mang lại gì” như thế (dù chúng vui hơn). Mỗi hành động ta làm, ta tự hỏi có học được kĩ năng gì có ích trong tương lai không, có kiếm thêm được gì không, thậm chí với mình là có giúp cho sự phát triển tâm linh không. Đó là lý do tại sao dù sâu thẳm ta thấy ồ cũng có thể vui, nhưng sự phán xét và phân tích của logic lập tức ngăn ta lại. Ta thà chịu đựng sự chán phát khóc còn hơn là làm gì đó đơn thuần vì ngẫu hứng.

Mình nghĩ, người lớn thường xuyên thấy chán là bởi vì họ đã quên đi cách chơi đùa. Hãy nghĩ về trẻ con chơi đùa. Mình không nói trẻ con nào nảo nào nao, mà nói về chúng mình hồi trước. Hồi con nít, mình không nhớ là mình biết chán bao giờ. Lúc nào mình cũng có đủ trò để chơi, dù vô bổ và thậm chí ngu ngốc, mình vẫn bày ra chơi chỉ vì thích. Hồi đó chẳng cần điện thoại hay Internet, chẳng cần ai bảo vậy là đúng hay sai. Con nít chơi như thế đó. Chơi vì thích, vì đó là bản năng nguyên thủy của nó. Con nít không để logic xen vào và hỏi để làm gì, được gì không. Một đứa trẻ chơi đùa vì thấy vui, và niềm vui thuần túy có được trong suốt cuộc chơi đã chính là phần thưởng. Mà, còn có phần thường gì đáng giá hơn niềm vui chăng? Mình nghĩ là không, kể cả với cuộc sống của-người-lớn. Không gì đáng giá hơn chính niềm vui tinh khiết và thuần túy. Suy cho cùng chúng ta làm tất cả là để thấy vui. Mua sắm, yêu đương, tiền bạc, danh tiếng – Song niềm vui từ chúng thì thường ít ỏi, nghèo nàn và chóng tàn. Quá trình để có được chúng lại trầy da tróc vẩy, đau khổ có phần nhiều hơn. Trong khi đó, ta chỉ cần học lại cách cho phép bản thân được chơi đùa, được sáng tạo như bản năng có sẵn, là niềm vui ắt ùa về ngay tại đây, lúc này – và tự thân nó đã đủ đầy, trọn vẹn.

Chúng ta đã lớn lên trong xã hội đề cao tính logic – tính đúng, sai. Đó là lý do tại sao chúng ta không có sức sống nhiều như thế. Chúng ta dư thừa vật chất nhưng chao ôi sao chán quá chừng. Thân thể thì ăn ngon mà tâm hồn thì bị bỏ đói. Logic dùng để giải quyết vấn đề, giải toán, nghiên cứu khoa học. Chúng ta không dùng logic để sống. Bởi cuộc sống đầy bí ẩn như chính trực giác, cảm xúc, trái tim – những điều vượt quá khả năng hiểu của tâm trí. Trái tim mới là kẻ chỉ đường còn logic là cái chân đi theo mệnh lệnh. Ví dụ, nếu bạn thích được học nhảy, thì logic sẽ giúp bạn phân tích xem bạn nên chọn lớp nhảy nào, hoặc giáo trình nào hợp với bạn. Còn thường thì, chúng ta để logic tranh đấu với trái tim: rằng nhảy thì vui đấy nhưng được gì không, mất gì không, tốn thời gian không, sao không làm gì đó “có ích” hơn? Ta quên mất rằng chỉ cần trái tim đầy háo hức với việc nhảy là đủ rồi, rằng vui thôi là đã đủ. Trong sự chơi đùa thuần khiết, niềm vui ắt thảy phải tự sinh ra. Cái gì vui, cái đó dễ làm, và “dễ là đúng” – Trang tử đã nói vậy. Logic là hòn đá chắn ngang dòng chảy của niềm vui sáng tạo. Việc của bạn là gỡ hòn đá sang một bên và niềm vui đó sẽ lại tuôn trào một lần nữa.

Chừng nào logic của chúng ta còn quá mạnh, chừng đó sẽ ít đi niềm vui – điều vốn dĩ luôn luôn có sẵn trong mỗi con người. Mình cũng đang học cách cho phép nhiều hơn thay vì để logic phán xét. Mình có thể cảm nhận được rằng, mỗi lần mình cho phép nhiều hơn một chút, mình vui hơn một chút, sáng tạo hơn một chút. Thử nghĩ coi nếu bạn có thể cho phép thật nhiều thì bạn có thể “mạnh” như thế nào? Tha hồ chơi đùa, tha hồ thử nghiệm, tha hồ nghĩ ra đủ thứ mới mẻ mà chẳng cần biết bạn giỏi không, được gì không và đúng hay sai. Bạn chỉ thấy cuộc sống thật có hồn, thật sống động, thật vi diệu. Tất cả đến với bạn chỉ vì bạn đang chơi đùa! Và mình nghĩ đó là cảnh giới thật đỉnh! Mỗi ngày sẽ thực sự là một lễ hội để hoan ca!

Nhưng chẳng cần đến lúc đó để vui. Hành trình thả lỏng – cho phép đem đến niềm vui trên từng bước chân (ngay chơi là có vui) mà không cần chờ đến điểm nào trong tương lai cả. Mình tin tất cả chúng ta đều là nghệ sĩ với sức sáng tạo vô hạn – Nếu nó hữu hạn, logic đã được kích hoạt. Lúc đó cứ nhẹ nhàng hít vào, thở ra. Biết logic đang ở đó, chẳng cần làm gì với nó. Việc của ta là tiếp tục chơi đùa.

COMMENTS