Nỗi buồn

Osho nói nỗi buồn thì thực hơn niềm vui rất nhiều. Quả đúng vậy. Niềm vui đôi khi chỉ là một dạng thức che giấu nỗi buồn, nông cạn và hời hợt. Khi ở trong nỗi buồn, người ta được nhìn thấy mình gần hơn và thật hơn bao giờ hết.

Song, thật khó để nhìn nỗi buồn một cách thật gần. Chúng ta thường tránh né nó, theo nhiều cách. Chỉ cần hơi buồn chán, ta lập tức tìm cho mình một thú vui để khỏa lấp. Đi xem phim, nghe nhạc, mua sắm, dạo phố, tụ tập. Ta bắt đầu làm cái gì đó để không phải nhìn vào nỗi buồn. Xưa giờ ta đã thế, và cả sau này ta vẫn sẽ như thế. Thói quen của chúng ta là trốn khổ tìm vui chừng nào còn có thể. Chừng nào nỗi buồn vẫn có thể bị khỏa lấp, chừng đó ta vẫn sẽ khỏa lấp nó.

Nhưng đây chưa phải là cách tiếp cận đúng đắn. Khi biết tu tập rồi, ta hiểu rằng nỗi buồn không phải là kẻ thù. Nỗi buồn là một người bạn quan trọng. Người đã bắt đầu biết tu khó có thể tiếp tục lừa dối bản thân trong các sao lãng nhất thời. Đơn giản là không thể. Dù muốn hay không, người học đạo buộc phải đi xuyên qua cái khoảng không mênh mông của nỗi buồn này, để thấu hiểu, khám phá, khảo sát bản chất thực sự của nó. Giờ đây sự tỉnh thức không cho phép họ đắm chìm si mê trong dục lạc ngũ quan như trước. Nếu nỗi buồn đang ở đó, cách tốt nhất là đối diện. Họ hiểu rằng sự trốn chạy chỉ gia tăng thêm nỗi buồn. Sự giải tỏa tạm bợ rồi cũng sớm nhường chỗ cho cảm giác tuyệt vọng mà vì bị đè nén, nay đã trở nên choáng ngợp hơn nhiều phần.

“Hãy ngồi im và buồn đi” – Osho chỉ nói đơn giản như vậy. Lý lẽ an ủi hay các câu quotes chẳng thể giúp được gì nhiều nữa. Nỗi buồn là sự thảnh thơi lớn lao – nó cho phép mình được nghỉ ngơi mà không phải vội vã lao theo cái gì. Đơn giản là khi buồn, mình chẳng có đủ năng lượng để làm gì nhiều nhặn. Vậy nên nỗi buồn thực sự là một dịp nghỉ ngơi. Khi bước ra khỏi nó, ta sẽ được làm tươi mới trở lại. Nhưng sự tươi mới này chỉ đến với những ai biết trân quý và hòa vào nỗi buồn mà không chống cự.

Bất kì khi nào bạn buồn, hãy đến ngồi bên cạnh một cái cây, trên một bãi cỏ, bên bờ một dòng sông. Bạn càng quen với sự có mặt của nỗi buồn, bạn càng ít sợ hãi. Rồi trong sự im lặng, bạn sẽ bỗng nhiên nhận ra vẻ đẹp huy hoàng của nỗi buồn. Bạn sẽ nhận ra rõ ràng nỗi buồn chân thật và sâu sắc hơn niềm vui rất nhiều. Ý định của nỗi buồn không phải là khiến cho bạn vật lộn, vùng vẫy trong khốn khổ. Nó chỉ là một cảm xúc tất yếu đến rồi đi trong cuộc sống. Hãy cứ trải nghiệm nó như cách bạn trải nghiệm các cảm xúc khác. Không còn chán ghét, không còn xua đuổi, không còn chạy trốn. Nếu bạn ôm ấp được nỗi buồn, niềm vui của bạn cũng sẽ được thăng hoa.

Mình không thích nỗi buồn. Không ai thích nỗi buồn cả. Song mình không còn sợ hãi nó. Nếu bạn đã biết cách đối diện với nó một mình, một lần, bạn sẽ không còn là tay mơ nữa. Thậm chí, bạn sẽ còn chờ đợi nỗi buồn và khi nó đến, bạn chào đón nó, chấp nhận nó. Khi có đủ kiên nhẫn để đi hết chiều dài của nỗi buồn, bạn sẽ thấy hình dạng của nỗi buồn dần thay đổi: nó biến chuyển thành một cái gì đó gần như là niềm vui. Không phải thứ niềm vui ồn ào, kích thích. Đây là niềm vui yên ắng đến từ sự thả lỏng, đầu hàng, không còn tranh đấu. Nó đích thực đến từ bên trong bạn mà không phụ thuộc vào lạc thú bên ngoài.

Hẳn nhiên, mọi thứ đều sẽ qua. Nỗi buồn cũng vậy, nó cũng sẽ bỏ ta đi đột ngột như cách nó đến, nhường chỗ cho những thỏa mãn nhỏ nhặt, tạm bợ, thoáng qua. Nhưng rồi nỗi buồn cũng sẽ lại đến. Hãy để cho mỗi lần đến – đi đó dạy cho chúng ta biết có mặt với mình và cho mình một cách trọn vẹn.

COMMENTS