Nước ngoài

Mấy hôm trước mình có nghe bài “nước ngoài” của Phan Mạnh Quỳnh. Mình giống các nhân vật trong bài hát ở một điểm: Đều muốn đi ra nước ngoài. Chỉ khác là “nước ngoài” kể về những con người lao động muốn kiếm tiền thoát nghèo, thoát khỏi lũy tre làng chật hẹp, còn mình muốn đi vì vô vàn ước mơ về sự khẳng định năng lực, hòa quang và cái tôi.

Ngày xưa, trường mình học có rất nhiều bạn năng động, giỏi ngoại ngữ và ôm mộng du học, muốn tới trời Tây. Mình biết không ít đứa bạn được đi trao đổi, giành được học bổng ngắn hạn, mong học thạc sĩ để vi vu đến các đất nước phát triển. Thêm nữa, chị gái mình học tiến sĩ ở Mỹ, em gái mình thắng nhiều học bổng ngắn hạn, học bổng trao đổi ở nước ngoài. Chính vì xung quanh mình ai cũng hướng về phương xa nên tâm hồn non nớt của mình ngày ấy bị ảnh hưởng khá nhiều. Suốt 4 năm sinh viên, mình đã theo đuổi mục tiêu được ra nước ngoài học tập như một cách chứng tỏ năng lực bản thân. Mình lướt mọi nền tảng và apply mọi cơ hội có thể từ học bổng ngắn hạn, dài hạn, trao đổi. Thậm chí mình từng bảo lưu 6 tháng để tập trung tìm kiếm cơ hội đi ra nước ngoài bằng các cơ hội quốc tế, thông qua Wwoof, Workaway và sẵn sàng chi trả các chi phí đắt đỏ để được một tổ chức nào đó chấp nhận. Mình đã “vật lộn” vì sự bám chấp lớn vào việc được đi nước ngoài sẽ tăng giá trị của mình trong mắt bố mẹ, họ hàng và bạn bè. Mình bám lấy nó như chiếc phao hòng không bị chìm nghỉm trong nỗi nghi ngờ, sự thua kém và lòng ghen tị. Cuối cùng, sau bao lần “trầy da tróc vẩy” thì mình cũng được một chương trình ở Đài Loan nhận, song đúng lúc đó dịch Covid bùng lên. Mình ngậm ngùi khép lại 4 năm sinh viên mà chưa khiến điều-từng-mơ trở thành sự thật.

Quay lại gần hơn, vào mấy tuần trước. Trong lúc nhắn tin hỏi thăm, tâm sự, bạn mình có bảo muốn đi tình nguyện ở châu Phi. Nó muốn làm cái gì đó khác hẳn vì dạo này cứ “đều đều”, “bình thường quá”, rằng đi xong chuyến này thì “rửa tay gác kiếm” cũng được. Mình thì thờ ơ nói “giờ chỉ muốn ra sau nhà ngồi thôi”. Nghe như đùa nhưng mà cũng thật. Giờ mình lại chẳng muốn xa nhà và nếu được sẽ về gần bố mẹ. Không hiểu điều gì đã diễn ra nhưng giờ mình chẳng còn ham mê 2 từ nước ngoài như trước. Chỉ mới ra trường 1 năm thôi nhưng so với sự hiếu chiến của mình lúc còn là sinh viên, mình bỗng thấy xa xôi. Mình không còn nghĩ rằng việc đi du học, nhận được học bổng, làm việc ở nước ngoài, định cư ở Mỹ hay châu Âu là tốt, là giỏi giang, là hơn người, là thành công nữa. Mình đơn thuần cảm thấy không cần những điều đó để thấy giá trị bản thân tăng lên. Mình không còn thấy phải làm được thứ khó nhằn để đổi lấy cảm giác đủ giỏi. Có lẽ đó cũng được tính là một bước tiến bộ trong tâm: Khi giờ đây mình ít phải bám vào một số thành tựu để cái tôi được xoa dịu. Sẽ tốt hơn khi sang “bển” nếu điều đó thực sự cần thiết cho bản thân, chứ không phải vì đó là một xu hướng, một cuộc đua hòng trốn tránh nỗi sợ bị bỏ lại phía sau (mình biết cuộc đua du học là có thật). Cũng như vậy, các quyết định khác nên xuất phát từ niềm vui thực sự ở bên trong chứ không phải sự tô vẽ cho hình ảnh tự tạo (self-image) nhằm cảm thấy mình là “một ai đó”.

Không dễ để nhận ra cái gì là xuất phát từ cái tôi muốn thể hiện và điều thực sự mang lại niềm vui. Chúng ta đều là những bậc thầy lừa dối. Chúng ta lừa dối chính mình giỏi đến mức không ai có thể khiến ta thấy khác đi. Ví dụ, mình từng tự nói với bản thân rằng ra nước ngoài sẽ có được trải nghiệm mới, học được nhiều điều, tốt cho profile, sẽ được họ hàng khen giỏi, và đồng hóa tất cả những điều đó với cái gọi là niềm vui sướng. Mình tin “đi du học” bằng với “niềm vui”, rồi cứ thế mà khổ sở khi điều mình muốn không chịu đến. Thực ra, nói tương đối thì niềm vui cũng sẽ xuất hiện nếu mình đỗ đi Mỹ. Nhưng vui từ nỗ lực xây dựng, bảo dưỡng và trang hoàng cái tôi chỉ mang tính tạm thời, rất ngắn ngủi. Cái tôi đói khát luôn cần một thứ khác và khác hơn nữa để tiếp tục khẳng định mình không ngừng (cho đến khi chết). Vì vậy suy cho cùng, niềm vui từ sự thỏa mãn bản ngã chỉ là “vui trong tham dục vui rồi khổ”. Niềm vui thật thì chẳng bao giờ liên quan đến những gì cái tôi đang cố tích lũy. Phải mất rất nhiều nước mắt và rất nhiều thời gian để đi đến thời điểm nơi chúng ta có đủ tỉnh táo để nhìn cái-muốn của mình thật thấu suốt. Chúng ta sẽ còn tự làm khổ bản thân với nhiều ham muốn khác nữa trong cuộc đời, cho đến khi thời gian đưa ta đi qua chúng và nhận ra tất cả chỉ là phù du ảo ảnh.

Chỉ là câu chuyện nhỏ về một thay đổi nhỏ trong tâm mình, nhưng chỉ thay đổi nhỏ đó thôi cũng đủ khiến mình nhẹ nhõm. Có những bám chấp vụn vặt, nói ra thì không có gì để bàn, nhưng chính chúng có thể làm con người rơi vào áp lực và khổ sở. “Con người không biết họ phải chịu đựng nhiều như thế nào bởi họ chưa từng biết đến cuộc sống không chịu đựng” - Bỗng mình nhớ đến câu này của Michael A. Singer. “Nước ngoài” cũng thế - Phải tham rồi hết tham mới có khả năng thấy rõ, tham khổ như thế nào.

COMMENTS