Quên lãng
Sáng nay ngủ dậy, mình chợt nhớ ra một điều hết sức quan trọng. Hôm nay là một ngày mới – Hôm nay là một ngày khác hôm qua. Hôm nay là ngày chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc đời mình cả. ủa ai chẳng biết? ai cũng biết nhưng biết là một chuyện, nhớ lại là một chuyện khác.
Ngày nay người ta biết rất nhiều về tầm quan trọng của việc sống trong hiện tại. Biết tương lai chỉ là ảo ảnh dối lừa, biết lo lắng chỉ là vọng tưởng. Người ta biết cách quay về với hơi thở. Dễ lắm. Dễ đến mức mà không ai chỉ ai được luôn, vì bản thân “hành động” quay về với hơi thở dễ hơn bất kì dạng ngôn từ hướng dẫn nào. Người ta biết đến Sư ông Thích Nhất Hạnh, lại càng biết chánh niệm là gì. Người ta biết chánh niệm mới là suối nguồn của an lạc đích thực. Người ta biết rất nhiều thứ để đạt được sự hài lòng và hạnh phúc trong đời sống hiện đại đấy chứ. Song biết rồi công nhận về mặt trí năng chẳng đem lại ích lợi gì.
Mình nghĩ bệnh của cả mình và bạn ấy chính là hay quên. Ta biết hết nhưng ta cũng mau quên hết. Ta hay quên lãng hơi thở, thân, tâm và giây phút hiện tại. Lúc sáng khi nhớ ra hôm nay là một ngày hoàn toàn mới, chưa xuất hiện bao giờ, mình mới nhớ ra thêm là hôm nay có thể sẽ không giống hôm qua, và ngày sau hôm nay có thể sẽ không tới. Mình dùng từ “nhớ ra” chứ không dùng từ “biết”. Biết thì ai cũng biết rồi. Mà đúng không? Hôm nay rất lạ kì vì nó chưa bao giờ đến trong quá khứ hết. Mình đã đi ngủ vào biết bao đêm và thức dậy vào biết bao sớm mai. Trong quá khứ, hiển nhiên mình đã bình an và vì thế nên mình mới có mặt vào ngày hôm nay. Song hôm nay không phải là quá khứ. Nó không có trách nhiệm lặp lại sự bình an có-vẻ-hiển-nhiên của quá khứ. Mình đã nhiều lần quên mất điều này và phóng mình theo các vọng niệm hấp dẫn hoặc khốn khổ. Mình nghĩ mình vẫn còn một nơi nào đó để đi tới, một cái gì để hoàn thành. Hôm nay chỉ là một viên gạch lót đường để mình đi tới một tương lai tươi sáng chẳng hạn.
Nhưng mình nhận ra tháng trước mình đã lo lắng cho tháng này, ngày trước mình đã lo cho ngày này rồi. Mấy chục năm mình đã nghĩ khi mình có abc gì đó thì mình sẽ ổn. Năm mình cấp III, mình khao khát cháy bỏng vào FTU. Vào FTU mình chỉ muốn bỏ học hoặc tốt nghiệp êm xuôi mà không bị bằng trung bình. Ra trường, mình mòn mỏi xin việc, chờ ngày đi làm đầu tiên, sau đó là chờ ngày làm việc cuối cùng để được trải nghiệm một nơi làm việc mới, với vòng lặp tâm lý cũ. Cả cuộc đời mình sẽ là tổng hợp của những viên gạch lót đường, đi đến đâu? Ngoài cái chết?
Nói vậy không có nghĩa chuẩn bị cho tương lai là vô nghĩa. Ta cần các phương tiện để sống: thức ăn, chỗ ở và các tiện nghi. Song không nên đuổi theo các phương tiện rồi nhầm lẫn phương tiện chính là đích đến. Biết thế nhưng trong quên lãng, ta thường vẫn dính mắc vào phương tiện và trở nên bất toại nguyện. Một bữa trưa không vừa miệng cũng đủ khiến ta khởi tâm khó chịu. Và có khi cũng chỉ tại bát canh nêm hơi nhạt mà hai vợ chồng cãi nhau. Dù cơm ngon hay dở thì ăn xong cũng xong, nó chỉ là phương tiện nuôi dưỡng cơ thể. Nhưng khi đã rơi vào quên lãng thì ta dễ dàng đau khổ vì bất kì điều nhỏ nhặt vô nghĩa nào. Chúng ta bám víu và thậm chí còn cố gắng thanh minh cho những khó chịu của mình bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Các giác quan suy cho cùng chỉ là phương tiện giúp chúng ta trải nghiệm thế giới vật lý với đầy đủ khung bậc khó chịu – dễ chịu, từ đó phát triển trí tuệ về khổ, vô thường, vô ngã. Nhưng ta cũng hay quên mục đích tối hậu đó và nhầm tưởng cuộc truy đuổi khoái lạc ngũ quan chính là lẽ sống của đời.
Mình đã đọc rất nhiều sách về Phật Pháp, đến mức giờ đây mình không thể đọc thêm một cuốn nào về cùng chủ đề nữa. Kiến thức thực sự là một gánh nặng khủng khiếp. Giờ mình đọc tiểu thuyết, sách tâm lý, sách địa lý hay bất kì cái gì mình thấy thích, ngoại trừ sách về đạo Phật. Đôi khi mình tự thấy đọc sách cũng là một hành động quên lãng, dù người đọc có nhận thức được điều đó hay không. Như thi thoảng mình đọc sách về chánh niệm chỉ để trốn tránh việc phải chánh niệm và có mặt cho chính mình, cho hiện tại nhàm chán đang trải ra trước mắt. Khi đó, mình đọc để quên đi nỗi trống rỗng bên trong và tảng lờ đi tình trạng bết bát của mình. Mình lãng quên hơi thở và cơ thể, ngay khi đang đọc quyển sách về chánh niệm.
Để có khả năng liên tục nhớ được hơi thở, nhớ được hiện tại, chúng ta không thể chỉ đơn thuần đọc sách. Sách chỉ có vai trò cung cấp lý thuyết, đọc xong là ai cũng biết, cũng hiểu về tầm quan trọng của việc thở có tỉnh thức. Song chỉ có thực hành mới là lời nhắc nhở thực thụ, và cách duy nhất để không sống trong quên lãng đó là liên tục sống trong tỉnh thức. Bạn có lần hỏi mình: “tao toàn quên hơi thở, có mẹo nào để nhớ thở chánh niệm không?”, giờ mình sẽ trả lời: “muốn nhớ liên tục thì chẳng có cách nào khác ngoài việc nhắc nhở bản thân bằng chính sự thực hành của mình".