Review sách - Đẹp và buồn

Lâu lắm rồi không viết gì trên này bởi cũng không còn nhu cầu gây ấn tượng với mấy anh chị HR nữa. Sách cũng đọc, phim cũng xem nhưng nhiều khi chẳng muốn đặt bút review. Cơ mà cái việc không viết nó cũng không tốt lắm. Đôi lúc mình sẽ quên sạch những gì đã thâu nhận hoặc chỉ nhớ lãng bãng những gì đã thấy, đã nghe thôi thì kể cũng phí. Cảm xúc dẫu chỉ là thoáng chốc và tạm bợ nhưng khi được viết ra nó sẽ mang một hình hài và một đời sống riêng, để lâu lâu chán quá mình có thể quay lại thăm nó như thăm người bạn cũ. Thế nên năm 2023 này chắc mình sẽ chịu khó viết lại hơn. Bớt câu nệ dài dòng, cầu kỳ hoa mỹ mà đi trực diện vào cái mình muốn nói dù lủng củng hay thô cứng. Nói chung là viết đúng kiểu cho mình thôi chứ không cần chạm đến tiêu chuẩn gì đó mà mình thường nghĩ là “nên có” khi apply công việc content creator 😊)

Tóm lại thì mình vừa đọc xong quyển đẹp và buồn của Kawabata, và muốn viết đôi dòng để chê sách. Sách được giải Nobel văn học vào năm 1968, tất nhiên sách đã được hoàn thành trước đó. Đó là lý do vì sao văn phong của truyện khá trang trọng và có nhiều cổ ngữ hay từ hán việt được sử dụng. Ban đầu mới đọc mình thấy nó hơi kỳ xíu (vì vốn hay đọc tiểu thuyết hiện đại), nhưng văn phong này bổ trợ hiệu quả cho dụng ý của tác giả: ấy là xây dựng một bối cảnh đẹp cổ điển theo kiểu u sầu và lãng mạn. Tác giả miêu tả mọi thứ từ tốn, nhẹ nhàng, chậm rãi, đôi khi hơi trừu tượng và tỏ-ra-bí-ẩn. Dù chẳng biết tí mô tê gì về Kyoto cổ kính của Nhật Bản hay các trường phái nghệ thuật và phong cách của các họa sĩ được nhắc đến trong truyện, mình vẫn cảm nhận được vẻ đẹp ma mị và thơ mộng của chúng qua các tính từ rất gợi. Cảnh trí trong truyện đúng là rất đẹp và buồn, nhưng các nhân vật trong truyện lại không cho mình thấy điều đó.

Bìa sách nè

Nói đúng hơn, nhân vật gần như hành xử khó hiểu từ đầu truyện đến cuối truyện. Mình đọc xong sách chỉ trong hơn 1 ngày, không phải vì nó cuốn, mà vì mình tò mò xem điều gì khiến truyện đoạt giải Nobel dẫu vẫn thấy nó chán. Mình không đồng cảm được với các nhân vật, mình thậm chí không biết rốt cuộc ai mới là nhân vật chính. Đó là ông Oki, cô tình nhân cũ Otoko hay cô học trò Keiko. Không hiểu nổi sao cô vợ Fumiko lại chấp nhận không chỉ tha thứ cho ông chồng lang chạ mà còn đồng ý gõ máy tác phẩm kể lại câu chuyện ngoại tình của chồng. Đồng ý là bao dung, nhưng như vậy thì hơi quá. Nhất là khi ông Oki này không được khắc họa theo kiểu hối lỗi hay quan tâm đến vợ con mà tâm trí lúc nào cũng như trên mây và luôn sẵn sàng mèo mả gà đồng. Hay vì đây là Nhật Bản, hoặc bởi đây là năm 196x? Người cần hận thù nên là Otoko hay Fumiko nhưng tác giả lại để cô học trò Keiko hận thù giùm cho cô giáo. Keiko gọi đó là vì ghen, không hiểu lắm nhưng mình chấp nhận đọc tiếp. Và Keiko trả thù theo kiểu còn khó hiểu hơn. Dụ dỗ 2 bố con nhà Oki, nhưng mà cũng dụ dỗ không tới nữa. Mình đã cố hiểu nhân vật này, nhưng xem chừng mọi thứ cổ làm chỉ đơn giản là rối loạn, mâu thuẫn và ngẫu nhiên. Cảm xúc dù là tình yêu, ghen tuông hay thù hận của bất kì ai cũng đều hững hờ và mờ nhạt. Các cuộc nói chuyện tưởng là sâu sắc nhưng mình chẳng thấy ăn nhập gì với nhau. Cứ như 2 nhân vật đang mộng du, đang mơ, đang say và bị ép giao tiếp vậy. Rốt cuộc thì mình cứ đọc trong tâm thế hy vọng miên man cao trào sẽ đến, chỉ để nhận ra hết truyện rồi mà sao nó lạ thế nhỉ.

Cái kết vốn là để thấy buồn và tuyệt vọng, nhưng mà mình thấy dửng dưng. Tại ngay từ đầu mình đã không thể hòa vào được với câu chuyện và đồng cảm được với nhân vật, cho nên chuyện gì xảy ra với ai thì liên quan gì đến mình nhỉ? Mình không thấy đẹp và buồn đâu trong nội dung truyện hết, chỉ thấy khó hiểu và thờ ơ mà thôi.

Nói chung, truyện khá ngắn nên đọc để thưởng thức cho biết cũng được. Còn để hay, để nhớ thì với mình là không. Chấm điểm thì sẽ là 5/10 ^^

COMMENTS