Tàn ngày để lại – học cách bình thản trước nuối tiếc trong đời

Không phải là cảm giác dễ chịu khi cứ sau mỗi lần đọc xong một cuốn tiểu thuyết hay, mình lại thấy bị thôi thúc mãnh liệt phải viết ra cảm nhận, mặt khác lại quá khó mà tìm được đúng từ đúng ý để diễn đạt cái hay đó ra ngoài.

Đã quá lâu rồi mình mới lại đọc được một cuốn sách khiến mình có nhiều cảm xúc day dứt đến vậy.

Tốt nhất là mở sách ra đọc luôn với một tâm thế không biết gì về nội dung, thông điệp hay các thông tin bên lề về tác giả cũng như tác phẩm. Bởi trong “Tàn ngày để lại”, cái hay nằm ở chỗ dường như không có diễn biến gì thực sự đang diễn ra, và chỉ đến gần cuối sách, người đọc mới hiểu được câu chuyện kể về điều gì.

Từ các ký ức ngẫu nhiên

Thoạt đầu, đó chỉ là những hồi tưởng rời rạc, không đầu không cuối, được đan xen một cách ngẫu nhiên trong dòng suy nghĩ của Stevens – một quản gia lâu năm tại dinh thự Darlington Hall – trong chuyến đi về vùng quê nước Anh vào năm 1956 để thăm một người bạn cũ.

Các ký ức của ông vốn không có gì kịch tính, không drama, được kể lại bằng giọng điệu trung lập, lịch sự, đôi khi gần như vô cảm. Những nhân vật xuất hiện trong hồi tưởng cũng không được khắc họa quá đặc sắc hay cụ thể. Mọi thứ đều chậm rãi, bằng phẳng – song lạ thay, càng đọc mình càng bị cuốn hút.

Trên bề mặt, Stevens gần như không bao giờ bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp. Ông không kể lại sự kiện để chia sẻ cảm xúc, mà để lý giải, phân tích, hoặc soi chiếu lại quá khứ từ một góc nhìn có phần xa cách. Những gì ông thuật lại thường rất kiềm chế, chu đáo và trịnh trọng về mặt ngôn ngữ – song đâu đó giữa những dòng chữ đầy lý trí, người đọc vẫn cảm nhận được một nỗi u buồn âm ỉ, như thể người đàn ông này đang cố giấu giếm điều gì đó, không phải với người đọc, mà với chính mình. Như thể ông đang né tránh một vùng cảm xúc rất sâu kín, rất người – thứ vốn luôn hiện diện, nhưng ông liên tục gạt đi, bởi dường như chỉ cần chạm vào là toàn bộ vai trò và danh tính ông giữ gìn cả đời sẽ sụp đổ.

Đến đây phải nói rằng, tác giả Kazuo Ishiguro kể chuyện điêu luyện như phù thủy. Quả nhiên là người đã đoạt cả Booker lẫn Nobel. Ông không cần dùng tính từ để miêu tả nội tâm. Không tôi buồn, tôi đau. Không tôi than khóc hay tôi luyến tiếc. Nhưng chính từ những chi tiết tưởng như vô thưởng vô phạt, người đọc lại tự hiểu ra tất cả. Một kiểu ma thuật lặng lẽ của văn chương – không nói mà như đã nói hết rồi.

…đến xâu chuỗi lại mọi thứ

Chỉ đến sau cùng, người đọc mới có một bức tranh toàn diện hơn về nhân vật.

Dưới lớp vỏ theo đuổi lý tưởng vĩ mô và lý tính của sự nghiệp, là con người đã che đậy và kiềm chế, đã dằng xé và bỏ lỡ. Câu hỏi ông tự đặt ra từ đầu truyện: “Điều gì làm nên một quản gia vĩ đại?”, tưởng là một chủ đề nghề nghiệp, hóa ra chỉ là cái cớ để ông soi rọi lại toàn bộ cuộc đời. Những sự kiện trong dinh thự Darlington, tuy thể hiện niềm tin của ông về sự vĩ đại nghề nghiệp, song chúng cũng là nơi ông có lẽ đã đánh mất một phần mình.

Khi Stevens ngồi một mình trên chiếc ghế bên bến tàu lúc lên đèn, ta nhận ra câu hỏi quan trọng không phải là Stevens có phải là một quản gia vĩ đại không?, mà là Cái giá ông đã phải trả cho danh xưng đó là gì?

Phụng sự cho chủ nhân và đặt mình trong khuôn khổ nguyên tắc khắc nghiệt gần như là một cái máy. Không cho phép mình thể hiện cảm xúc dẫu có là cảm xúc chính đáng mà một con người có quyền và nên thể hiện. Ông coi đó là biểu hiện tột cùng của chuyên nghiệp và phẩm cách của kẻ vĩ đại trong nghề. Ông gạt đi những khoảnh khắc quan trọng trong đời để lao theo niềm tin về cảnh giới vĩ đại mà mình đang theo đuổi. Như một lúc nào đó ta sẽ thấy ông tóm gọn: “Suy cho cùng, phẩm cách là không lột bỏ cái áo của mình….”

Nhưng con người dù có cố mặc cái áo đó chỉnh chu đến mấy, cũng có lúc lộ ra kẽ hở nội tâm. Đó có lẽ là lúc khi Stevens và Kenton từ biệt nhau lần cuối, trước cửa xe buýt vào một đêm mưa. Không có hình, song dường như người đọc có thể thấy ánh mắt họ đỏ nước vì luyến tiếc và day dứt, dù giữa ngôn từ vẫn tỏ vẻ điềm nhiên và trung lập. Vài chục năm đã qua đi, họ từng có thể chọn một cuộc đời khác. Có những khoảnh khắc mọi chuyện đã có thể khác đi nếu Stevens chịu rời mắt một chút khỏi cái đích vĩ đại và nhìn vào những gì cuộc đời hiện tại đang dâng lên cho mình. Ông đã có thể nhận lấy nó nếu ông chịu lắng nghe mình…

Một cảnh trong phim được chuyển thể từ sách

Lý tưởng hay ảo tưởng

Thật dễ để đổ lỗi cho lựa chọn của nhân vật nếu vì lựa chọn đó mà họ không thực sự hạnh phúc.

Song thiết nghĩ, vào những năm 1920-1930, khi chính trị ở châu Âu còn nhiễu nhương và chiến tranh thế giới thứ nhất vừa ngưng thì cảm xúc và niềm vui cá nhân vẫn là thứ gì đó lạ lùng. Nhất là với tư cách quản gia của một dinh thự bề thế bậc nhất nước Anh bấy giờ, Stevens không thể không thấy sứ mệnh của ông chính là dâng hiến cả đời để phụng sự chủ nhân nhằm giúp Ngài đem lại những ảnh hưởng trực tiếp lên thời đại. Việc không dám có lấy một khoảnh khắc để nghĩ về 2 chữ riêng tư cũng là điều hết sức dễ hiểu. Như ông tự cảm thấy: “Phụng sự huân tước Darling ton cũng như đi đến cái trục tròn của bánh xe….”

Dẫu mình tiếc cho Stevens vì sự cực đoan trong việc kìm nén đời mình, có lẽ những gì ông chọn lựa là thỏa đáng. Lý tưởng hay ảo tưởng? Là tùy góc nhìn và còn tùy cả thời điểm lịch sử. Với một số người, và vào một giai đoạn cụ thể, việc gạt đi hay nén đi đời sống riêng tư để cống hiến cho điều gì đó to lớn hơn là xứng đáng, còn với một số người khác thì chỉ muốn được đi theo con tim với niềm vui dung dị nhỏ bé cũng đã vui. Bởi vậy, sẽ thật không công bằng khi phán xét rằng do ông tự ôm lấy ảo tưởng lớn lao nên mới phải chứng kiến nỗi niềm cá nhân tan vỡ.

Được kết rồi

“Tàn ngày để lại” khiến ta soi lại chính cách mà mình đang chọn sống, cho mình cái nhìn mềm mại, linh hoạt và ít phán xét hơn về lựa chọn của mỗi con người.

Cái ranh giới nhập nhòe giữa việc chọn theo lý tưởng của lý trí hay cảm nhận của trái tim – Rốt cuộc điều gì mới là đúng để không phải hối tiếc khi hoàng hôn cuộc đời phủ xuống? Hay rốt cuộc mỗi thứ đều có lập luận riêng và nỗi băn khoăn là điều khó tránh khỏi dù ta chọn hướng nào. Điều quan trọng sau cuối là cách mà ta học chấp nhận và sống thanh thản với nuối tiếc đó trong quãng thời gian còn lại.

“Suy cho cùng, đâu có thể quay ngược thời gian được nữa. Người ta không thể ngâm ngợi mãi những gì có thể đã xảy ra. Người ta cần phải nhận ra mình đang có một thứ cũng tốt gần bằng thế, thậm chí còn hơn thế, và biết cảm kích vì điều đó...”
“Ông phải biết cách sống vui. Buổi tối mới là phần hay nhất trong ngày. Ông đã làm xong công việc trong ngày rồi. Giờ ông có thể rửa tay gác kiếm mà tận hưởng đi…Cứ hỏi ai cũng sẽ bảo ông như thế thôi. Buổi tối là phần hay nhất trong ngày.”
“Tôi nên thôi nhìn lại quá nhiều, rằng tôi nên chọn lấy một cái nhìn tích cực hơn và cố gắng tận hưởng càng nhiều càng tốt quãng tàn ngày để lại cho tôi. Suy cho cùng, chúng ta có bao giờ được gì khi cứ mãi ngoái lại trách móc bản thân nếu đời mình thành ra lại không hẳn như mình mong muốn?”
COMMENTS