sống đời lãng phí

Chợt có cảm hứng viết về 1 câu trả lời trên quora mà mình thấy khá xúc động. Thật khó để vô tình đọc được 1 đoạn văn như vậy trên mạng nơi đa phần mọi người đều có góc nhìn rất ego-oriented, nơi họ sẽ chỉ cho bạn phải làm-thêm N thứ để “giải-quyết-vấn-đề” đang được hỏi.

Ai đó đã hỏi trên quora:

Tôi đã 28 tuổi và chưa đạt được điều gì trong đời. Tôi cảm thấy mình đang già đi và đã lãng phí tuổi trẻ của mình. Tôi nên làm gì đây?

Đây là câu trả lời nọ:

"Vâng, bạn gần như là một di tích Ai Cập rồi đấy! Tôi đã 28 tuổi ít nhất hai lần rồi, vậy nên tôi rất rành về chuyện già cả!

Nhưng nếu bạn lo lắng về những năm tháng đã bị lãng phí—và tôi đồng ý rằng phần lớn đời bạn đã bị lãng phí 😊 — thì câu hỏi là: “Giờ thì sao?”. Mọi câu chuyện đều có cao trào, và khi nó qua đi, mặt trời vẫn mọc vào ngày hôm sau và lại đặt câu hỏi ấy. Giờ thì sao?

Có người bước ra khỏi đường hầm của câu hỏi đó với tiếng thét: “Tôi sẽ sống hết mình!”—nhưng chính xác thì điều đó nghĩa là gì? Bạn có nên leo Everest không? Theo đuổi giấc mơ hát opera tại Lincoln Center? Hay hóa thân thành công chúa Disney và nhận tràng pháo tay vang dội?

Nhưng hãy nhớ: ngày sau khoảnh khắc vinh quang đó, mặt trời vẫn mọc và đặt câu hỏi: ‘Giờ thì sao?’. Ngày sau khi bạn rời khỏi Lincoln Center, mặt trời lại xuất hiện và lặp lại câu hỏi đó.

Bạn luôn trở về con số không, phải không? Đó chẳng phải là bản chất cốt lõi của cuộc sống sao? Khi tất cả đã xảy ra, mọi thứ trở lại vạch xuất phát, và một ngày mới lại bắt đầu.

Vậy nên, đây là một gợi ý: hãy tìm cách khiến con số không trở nên thỏa mãn một cách sâu sắc. Khi đó, mọi thứ sẽ tự chảy trôi như nó là, và khái niệm “lãng phí thời gian” sẽ không còn nữa. Khi mặt trời mọc lần nữa, bạn sẽ vẫy tay chào người bạn già nhất vũ trụ, và ngài sẽ vẫy tay đáp lại."

Số tuổi chỉ mang tính tượng trưng, vì mình tin dù ở tuổi nào thì con người vẫn sợ họ đạt được chưa đủ và có thể họ đang lãng phí thời gian. Tất cả chúng ta đều bị ám ảnh bởi việc phải làm gì đó “đáng giá” với thời gian của mình.

Song, ai đã quy định cái gì là lãng phí thời gian và cái gì là không lãng phí? Hãy nghĩ sâu về nó. Khái niệm “lãng phí thời gian” hay “có ích” thực chất chỉ là một tập hợp niềm tin được xây dựng bởi xã hội. Và phần lớn những niềm tin đó xuất phát từ lòng tham—tham vọng, ham muốn kiểm soát, sợ hãi cái vô nghĩa.

Xã hội coi cái gì ra tiền, năng suất là "không lãng phí", còn những thứ  tưởng chừng vô mục đích, không tạo ra kinh tế thì bị gắn mác "vô ích".  Cuối cùng, sự phân biệt này đều được tạo ra bởi xã hội để phục vụ (rất hiệu quả) guồng quay của chính nó.

Ta lao vào những mục tiêu, những thành tựu, những giấc mơ lấp lánh như đỉnh Everest hay ánh đèn sân khấu Lincoln Center. Nhưng dù có đạt được gì đi nữa, ngày hôm sau mặt trời vẫn mọc, và cuộc đời lại hỏi: “Giờ thì sao?”

Không bao giờ ai đó thực sự “đến nơi”. Cuộc sống không phải là một đường thẳng tiến lên, mà là một vòng lặp vô tận của những ngày mới.

Khi quay lại điểm số không đó đủ nhiều, ta có thể bắt đầu đặt câu hỏi về bản chất của những thứ mà ta theo đuổi.

Và khi 1 người thôi trốn chạy khỏi trạng thái “không có gì”, ngược lại xem đó như một đầu mối để chiêm nghiệm, trạng thái đó không còn đại diện cho concept “lãng phí”. Anh ta nhận ra: Rằng, ừ, vui cũng đến thế thôi. Sướng cũng chỉ có thế. Rồi lại nộ ái ố. Xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Đều tạm bợ, đều sẽ qua. Và một lần nữa, ta lại về với chỗ bắt đầu.

Suy cho cùng, khi lột bỏ đi những đánh giá mind-made rằng như này là đáng, như kia là lãng phí, thì cái còn lại sau tất cả chính là bản thân cuộc sống đang diễn ra, nó chỉ đang diễn ra mà thôi. Không có gì sai, không có gì đúng, không có gì nên thế này hay nên thế khác.

I've loved, I've laughed and cried
I've had my fill; my share of losing
And now, as tears subside,
I find it all so amusinggg
To think I did all that;
And may I say - not in a shy way,
"No, oh no, not me,
I did it my way".