[Cảm phim] Soul (2020) và bài học sống đơn giản, dễ quên, khó làm

Với mình, thật khó để nói Soul (2020, Pixar) dễ xem hay khó xem. Dễ xem vì Soul là phim hoạt hình 3D với màu sắc tươi sáng, khung hình lung linh tuyệt đẹp. Khó xem vì có khá nhiều diễn biến trong phim, chủ đề liên quan đến tâm linh với thông điệp lớn nên không dễ để hiểu hết ý đồ của nhà làm phim nếu chỉ xem một lượt. Mình đã phải xem thêm cả phần tóm tắt trên Youtube để thực sự hiểu được mạch phim một cách tổng quát nhất.

Thực ra Pixar đã làm nhiều phim hoạt hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như về tình bạn, tình gia đình, lòng dũng cảm, sự thay đổi về nhân sinh quan, tiêu biểu có thể kể đến Brave (một phim mình cũng rất ấn tượng), Toy Story, Up, Coco, Inside Out, Finding Nemo,… Nhưng lần này, Soul vượt ra hẳn những thông điệp quen thuộc đó. Việc một phim hoạt hình nhắc đến cõi trước, cõi sau, sự đầu thai chuyển kiếp, thế giới linh hồn mà không khiến nó nhuốm màu tôn giáo, triết lý, dạy đời, xa vời với cuộc sống là thử thách không phải nhà sản xuất nào cũng làm được. Tuy vậy, Pixar một lần nữa khẳng định đẳng cấp của studio hàng đầu thế giới khi đưa các khía cạnh tâm linh vốn thường nhạy cảm đó thông qua Soul - Theo cách mà mình nghĩ là đủ hay, đủ xúc động và thuyết phục.

Soul kể về Joe Gardner, một giáo viên âm nhạc ở trường cấp II. Tuy đúng là có niềm đam mê với âm nhạc, nhưng làm giáo viên dạy nhạc chưa bao giờ là điều anh muốn. Người nghệ sĩ luôn khao khát được biểu diễn trước ánh đèn sân khấu và lấy sự đắm chìm trong giai điệu cùng sự tán dương của khán giả làm lẽ sống. Joe cũng thế, ước mơ lớn nhất của đời anh không phải là trở thành một giáo viên dạy nhạc, mà là được chơi Jazz như một nhạc công chuyên nghiệp. Cơ hội biến giấc mơ thành sự thật cuối cùng cũng đến với Joe, khi anh được mời tham gia buổi biểu diễn với thần tượng của mình - Dorothea. Lúc Joe nhảy nhót qua đường trong niềm hân hoan vui sướng tột cùng vì nhận được tin vui thì đột ngột anh lọt hố và… chết. Một cái chết hết sức bất ngờ - Nhưng cuộc sống vẫn luôn có đầy những cái chết như thế. Chi tiết này khiến mình nghĩ về bản thân khi sắp đạt được điều mình hằng mong muốn: Mình nghĩ về cái chết và thấy sợ hãi, vì nếu cái chết đến lúc mình đang tận hưởng giấc mơ, thì đó quả là điều đáng tiếc và đau đớn thay. Cái chết nên đến lúc mình chán chường, chứ không nên là trong lúc mình đang hạnh phúc.

Bởi vậy mình hiểu sự chống đối mạnh mẽ của Joe khi nhận ra bản thân giờ đây đang ở trong hình dáng của một linh hồn màu xanh dương, đang bị đẩy dần đến The Great Beyond (cõi sau). Giống như Joe, hẳn ai cũng sẽ chối bỏ cái chết hết sức quyết liệt trước khi đi đến giai đoạn nơi ta có thể chấp nhận sự thật rằng cõi trần chỉ là giả tạm. Joe phản kháng, và bằng cách nào đó anh thoát khỏi các nấc thang đi đến The Great Beyond, để rồi rơi vào The Great Before (cõi trước) - Nơi các linh hồn được học tập, hình thành tính cách và tìm ra “tia lửa cuộc sống” (Spark) để được đến đầu thai ở Trái Đất. Anh được bắt cặp với linh hồn số 22 - Một linh hồn đã có đủ tất cả mảnh ghép cần thiết, chỉ thiếu duy nhất huy hiệu Spark để được xuống Trái Đất. Vì 22 không có hứng thú với cõi trần đầy ắp khổ đau, hai người giao kèo rằng Joe sẽ giúp 22 tìm ra Spark, sau đó Joe sẽ lấy tấm vé thông hành của 22 để quay lại thân xác của mình, đến buổi biểu diễn, hoàn thành giấc mơ cuộc đời, còn 22 vẫn có thể tiếp tục ở lại cõi trước. Toàn bộ phim chỉ xoay quanh nỗ lực của Joe để giúp 22 - hay chính bản thân anh được quay lại cuộc sống của con người một lần nữa.

Sau khi thử rất nhiều cách, cuối cùng 22 cũng tìm thấy Spark của mình, nhờ việc trải nghiệm trực tiếp cuộc sống vật lý qua thân xác của Joe. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là 22 không tìm thấy Spark theo cách mà chúng ta vẫn thường kì vọng. Không phải là 22 bỗng thấy rung động mãnh liệt trước âm nhạc, nghệ thuật, bỗng thấy yêu say đắm khoa học, ẩm thực, hay bất kì một lĩnh lực nào cả. Chính xác là 22 xuống Trái Đất và đơn giản là yêu những điều vô cùng nhỏ nhặt hằng ngày của cuộc sống. Mẩu pizza còn sót lại, cuộn chỉ màu xanh, que kẹo mút, chiếc lá rơi, trời xanh, nắng vàng, những cặp tình nhân hò hẹn, nụ cười của đứa bé bên đường. Và chỉ có thế, 22 rơi vào lưới tình với cuộc sống. Cô tìm thấy Spark của mình qua những khoảnh khắc của hiện tại, qua sự hiện hữu ở đây và bây giờ. Đến đây, những ai từng bị nhồi nhét vào đầu rằng sống là phải có mục đích, phải có ước mơ, phải có lý tưởng, phải là cái này, cái kia… hẳn phải thấy một chút lặng lẽ ở bên trong, để tự vấn chính mình về cái hệ tư tưởng mà họ đã luôn bám rất chặt vào.

Với tấm vé thông hành mà 22 miễn cưỡng đưa cho (vì lỡ giao kèo mà), Joe quay lại thân xác của mình và vội vã chạy đến buổi biểu diễn. Sau bao nhiêu nỗ lực, cuối cùng Joe cũng có được điều anh muốn: Được chơi thứ nhạc Jazz mà anh coi như hơi thở giữa ánh đèn sân khấu cùng thần tượng lớn nhất của mình. Buổi biểu diễn thành công rực rỡ với sự tán dương nhiệt liệt của khán giả. Joe vui vẻ bước ra ngoài cửa quán cafe và hỏi Dorothea sau đêm nay tiếp theo sẽ là gì. Anh hụt hẫng khi nhận được câu trả lời, rằng ừ thì biểu diễn tiếp thôi. Có gì đó như chùng xuống bên trong Joe. Chỉ là anh đã chờ đợi khoảnh khắc này cả đời, thậm chí phải “chết đi sống lại” đúng theo nghĩa đen để có thể biểu diễn ở đây, vào đêm nay. Nhưng sao giờ đây, anh thấy có gì đó không đúng lắm.

“What’s wrong teach?” - Dorothea hỏi.

“It’s just I’ve been waiting on this day for my entire life. I thought I’d feel different.”

Ngay sau đó, Dorothea kể câu chuyện kinh điển mà có lẽ ai xem Soul cũng thấy ấn tượng.

“I heard this story about a fish. He swims up to this older fish and says:

“I am trying to find this thing they call the ocean.”

“The ocean?”, says the older fish. “That’s what you’re in right now.”

“This?” Says the younger fish. “This is water. What I want is the ocean.”

Câu chuyện nhỏ này khiến mình nhớ đến một đoạn trong sách của Osho, trong đó ông đề cập đến việc thật khó để định nghĩa tình yêu. Tình yêu cũng như đại dương. Con cá có thể hiểu đại dương bằng cách cảm nhận nó, nhưng nếu con cá cứ nằng nặc đòi định nghĩa hoặc miêu tả về đại dương thì ngay cả khi dùng ngôn ngữ để nói cả đời, có khi con cá cũng chưa thực sự hiểu hết. Mặt khác, nếu con cá dẹp cái-não-muốn-nắm-bắt-mọi-thứ-bằng-khái-niệm sang một bên và chỉ trải nghiệm thôi, thì thông qua trải nghiệm đó nó sẽ hiểu đại dương một cách đủ đầy, toàn vẹn.

“The finest and the most beautiful things in life can be lived, can be known, but they are difficult to define, difficult to describe.” (Osho)

Phải chăng chúng ta cũng là con cá nhỏ cứ mải hỏi “Hạnh phúc ở đâu?” trong khi hạnh phúc đang bao quanh mình. Chỉ cần dừng lại và cảm nhận là đủ. Nhưng Joe đến lúc này chưa nhận ra điều đó. Anh chỉ đang cảm thấy trống rỗng vô cùng. Ước mơ cả đời đã được hoàn thành, song Joe nhận ra mọi thứ vẫn thế. Anh vẫn phải chen chúc trên tàu điện ngầm, lặng lẽ quay về căn phòng quen thuộc, vẫn ngồi một mình trong bóng tối. Cuộc sống rốt cuộc cũng chỉ đến vậy thôi: Niềm háo hức của việc hoàn thành một mục tiêu lớn trong đời dù có tuyệt vời đến mấy, cũng chỉ đến mức này thôi. Sau cùng thì ngày vẫn sẽ trôi theo cách lặp lại, bình thường như nó vẫn luôn thế. Ước mơ không phải là đích đến của cuộc đời.

Điều này thật không khó để hình dung, bởi mình tin ai trong chúng ta cũng từng mơ ước một thứ gì đó mãnh liệt, điên cuồng, tưởng không sống nổi nếu thiếu nó nhưng khi đạt được rồi, thì lại chững hửng không thấy vui nhiều như ta vẫn tưởng. Với mình thì là khi đỗ Ngoại thương sau 3 năm đèn sách với cực nhiều áp lực và nước mắt, nhưng khi nhận tin thực sự đỗ, mình lại thấy bình thường như ngày hôm qua. Có thể nói Soul như cái gõ đầu đánh thức những ai đang lấy đam mê, mục đích làm lẽ sống mà bỏ quên mất sự kết nối với những điều bình thường trong hiện tại. Bởi vì tương lai chỉ là ảo ảnh, khi đến đó rồi thì chẳng còn gì đâu.

Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta hiểu được điều này bằng trí năng, nếu không có sự chiêm nghiệm sâu sắc thì đa số chúng ta vẫn sẽ tiếp tục đuổi theo mục tiêu khác trong u mê cho đến khi cái chết bắt chúng ta phải dừng lại. Đoạn cuối phim, khi Joe chính thức được cho cơ hội sống thứ hai (cơ hội lúc nãy là do thẻ thông hành của 22 mà có) và bước ra ngoài cửa với vẻ mặt mãn nguyện vì ngộ ra được bài học lớn về việc tận hưởng từng phút giây của cuộc sống, mình tự hỏi có thật không? Giờ đây, ai cũng bảo nhau hãy sống trong hiện tại, nhưng nếu chỉ hiểu đơn thuần qua trí năng mà không có thực hành, thì gần như đó là điều không thể. Gần như chúng ta vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp, tiền bạc, danh vọng, tình yêu hoặc cái gì đó hứa hẹn trong tương lai, như con thiêu thân lao vào ánh đèn mà thôi.

Sự thực hành mình muốn nói ở đây chính là ngồi thiền. Mình hoàn toàn không tin vào việc chỉ cần nhắc nhở bằng miệng rằng “hãy sống trong hiện tại để nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống”, hoặc “không cần ngồi thiền, chỉ cần tỉnh thức trong các hành động là được”. Ngồi thiền phải là điều bắt buộc nếu bạn muốn sống cuộc sống tỉnh thức. Bởi chỉ khi bạn ngồi im lặng, nhắm mắt, bạn mới có đủ điều kiện tối thiểu để định được cái tâm lăng xăng, cột nó trong hơi thở ở hiện tại. Mà kể cả khi có đủ điều kiện cần như thế, cũng không hề dễ để hiện hữu cùng hơi thở, nói gì đến việc tỉnh thức trong cuộc sống đời thường. Vậy nên, nếu một người không dành ra thời gian để chính thức ngồi im, không làm gì cả mỗi ngày, người đó gần như, hoặc nói thẳng ra là không thể tiếp xúc được với hiện tại, không thể biết cái “tĩnh lặng” tròn méo như thế nào, cho dù người đó có viết, đọc, tự nhắc về hiện tại bao nhiêu đi nữa. Như con cá phải dùng chính bản thể của nó để cảm nhận dòng nước của biển cả, chứ không phải là chỉ đọc, nói, định nghĩa, ca hát về biển cả.

Quay lại với phim Soul, mình vô tình đọc được dòng bình luận trên Youtube nói đạo diễn của phim chắc phải là người đã tỉnh thức tâm linh, thì mình cũng đồng ý với điều đó. Ông hẳn phải trực tiếp trải nghiệm được những thay đổi nội tâm thông qua việc hiện hữu trong hiện tại để làm ra Soul, còn chỉ đọc sách hay nghiên cứu về tâm linh thôi là không đủ. Mình thích cách ông ấy xây dựng nội dung Soul theo hướng nhẹ nhàng, đáng yêu, gần gũi để truyền tải thông điệp lớn mà không bị giáo điều, dù với cá nhân mình, cách sắp xếp các sự kiện trong phim có phần hơi rối.

Soul vẫn là bộ phim thú vị để nhắc nhở chúng ta về cách tận hưởng cuộc sống. Đừng chờ đợi khi bạn đạt được mục tiêu x, ước mơ y rồi mới tận hưởng được bông hoa, ngọn cỏ, tách cafe. Vì ai chờ đợi, chắc chắn sẽ bỏ lỡ toàn bộ cuộc sống, chắc chắn sẽ đi qua đời mình như một kẻ lạ mộng du. So với việc không biết, thì biết tầm quan trọng của hiện tại, dù chỉ bằng lý trí cũng là một bước tiến lớn. Nhưng đừng chỉ dừng lại ở đó, hãy để cái biết sơ khởi đó đưa bạn đi xa hơn bằng cách thực sự thực hành.

Bài học hiện hữu là một trong những bài học quan trọng nhất của kiếp người, nên đừng căng thẳng nếu một ngày, một tháng, một năm vẫn chưa thể “bám rễ sâu” ở hiện tại. Cứ thong thả, dành ra ít phút ngồi thiền hằng ngày đã là rất tốt. Joe cũng thế, với sự thức tỉnh ở cuối phim, mình tin anh cũng sẽ tìm đến một khóa thiền nào đó để bắt đầu hành trình mà thôi.