Trong cơn đau
Đôi khi, mình cố tình chọn ở lại với cơn đau – những cơn đau từ ít đến trung bình, thường là sự co thắt ở vùng bụng vùng lưng lúc đến ngày hoặc khi mình bị nhức đầu. Mình không chọn uống thuốc giảm đau mặc dù chỉ cần một viên panadol thôi cũng đủ để tình trạng trở nên ổn thỏa. Và dù khi đau, nói thật mình cũng không làm được gì ngoài việc nằm trên giường hoặc ngồi co giò ngẩn ngơ. Đương nhiên, đau thì không hề dễ chịu chút nào.
Mình không muốn tâm trở nên quá dễ dãi khi đối mặt với cảm giác khó chịu. Trong cơn đau, mình được dịp quan sát cơ thể và cả tâm trí sâu sắc hơn. Tâm mình có thể bình đến bao nhiêu khi cơn đau đầu thì nhức nhối khiến mình mất ngủ và ngoài đường là tiếng chó sủa không dứt. Tâm mình có thể bình đến bao nhiêu khi trong ngày đầu tiên của kì kinh nguyệt, vùng bụng và lưng đau thắt khiến cả người chỉ muốn nằm co lấy mà ôm. Tâm mình có thể bình đến bao nhiêu khi giọng nói “mình nên làm gì đó năng suất hơn”, “mình nên uống thuốc giảm đau để coi nốt bộ phim còn dở”,… cứ vang lên trong đầu. Những dịp như thế lại là một lần mình được tập luyện sâu sắc hơn việc bám lấy hơi thở, ở trong hiện tại, nhận diện nỗi đau và suy nghĩ sinh khởi cùng nỗi đau mà không cố làm gì để thay đổi chúng.
Trong cơn đau, mình nhìn thấy nỗi sợ nguyên thủy và nỗi cô đơn quay quắt vốn luôn có sẵn trong mỗi con-người dù sự bận rộn của cuộc sống hiện đại đã phần nào che đậy nó – trong một giai đoạn nhất định. Ấy là nỗi sợ về bệnh tật, cái chết và nỗi cô đơn khủng khiếp của mỗi thực thể sống – đặc biệt là con người khi phải đối diện với sự thật này. Sinh già bệnh chết, rồi ai mà không phải đi đến hoại và không? Mình nghĩ về những nỗi đau thể xác mà con người sẽ phải chịu đựng khi bệnh tật đến, mà cái nhức đầu của mình rõ ràng chẳng thấm vào đâu. Người ta có thể dùng rất nhiều thuốc giảm đau, nhưng với trọng bệnh, sự thật là cơn đau chỉ giảm bớt đi phần nào – phần còn sót lại cũng đủ để khiến người ta vẫy vùng khổ sở. Mình đã từng chứng kiến trong nín lặng một cụ già nằm liệt giường vì đau chân và rên thiết “khi nào mới chết”. Giàu nghèo sang hèn – rồi cũng là thân phận con người cả mà thôi.
Và nỗi cô đơn nữa. Quả thật là một đặc ân khi trong cơn đau mà chúng ta được săn sóc bởi những người thân yêu. Họ có đó để lo cơm nước giặt giũ nhà cửa, để chăm nom phục vụ cho từng yêu cầu nhỏ nhặt của người bị đau. Ấy chính là sự an ủi vô cùng lớn lao – tất nhiên sự an ủi không chỉ dừng lại ở nhu cầu vật lý mà chính nó đã chạm sâu được vào chỗ mong manh nhất của một con người. Nhưng rồi, cơn đau vẫn là cơn đau. Người thân, người yêu không thể chịu bớt cơn đau đó cho mình, dù chỉ là một mẩu nhỏ nhất. Thỉnh thoảng cơn đau sẽ trở nên choáng ngợp đến mức ta chỉ thấy mỗi mình bản thân trong câu chuyện. Hoàn toàn một mình – rất yếu, rất đau, rất sân và tuyệt vọng.
Dường như có một khoảng không gian hình cầu đen đặc bao quanh ta và người thân yêu chỉ có thể đứng bên ngoài mà nhìn vào thương cảm. Ở nơi đó, ta nhận ra sau cùng mỗi con người đều sẽ cô đơn trần trụi khi phải đối diện với bệnh tật và đau đớn. Chúng ta có thể sống cùng nhau, thậm chí là sống thay nhau. Nhưng vào cuối ngày, mỗi người vẫn chỉ là một thực thể riêng rẽ, cô đơn, chỉ có thể một mình, một mình, một mình đối diện với sự đau đớn và cái chết. Không ai đau thay ai. Không ai đau cùng ai. Chỉ có tâm trí của chính mình mới đồng hành cùng mình vào phút giây cùng cực nhất – đau chưa chắc đã khổ, nếu một người biết tu tập từ bây giờ.
Cũng trong cơn đau, mình được dịp nhìn vào cơ thể với cái nhìn sâu sắc hơn bao giờ hết. Khi cơ thể khỏe mạnh, có mấy ai nghĩ đến nó bao giờ? Không những không nghĩ đến, mà ta còn có xu hướng ngược đãi cơ thể trong vô thức: thức khuya, ngủ ít, làm việc quá sức, ăn uống qua loa. Đến khi nó chớm đau thì ta vội vơ lấy một liều giảm đau để tiếp tục lao vào những công việc còn dang dở. Đã bao giờ bạn ngồi một mình với cơ thể, im lặng? Và rồi bỗng nhiên bạn khóc òa trong cảm giác có lỗi vì bỏ bê cơ thể quá lâu nhưng đồng thời, cũng biết ơn nó vô cùng tận vì sau chừng đó bỏ bê ngược đãi, cơ thể vẫn đang ở đây với mình – đủ đầy và còn khỏe mạnh? Thật khó để bạn trải qua cảm giác đó, nếu bạn chưa bao giờ biết quay về với hiện tại, với ở đây – nơi cơ thể bạn đang ở.
Khi mình có thể ở cùng cơ thể trong cơn đau, quan sát cơn đau với những nhịp điệu lên xuống, lúc dữ dội, lúc dịu êm, rồi chứng kiến sự biến mất dần dần chậm chạp của các cảm giác đau đớn mà không có sự tức giận hay mong muốn kiểm soát, mình không thấy khổ (nhiều). Qua cơn đau, mình thấy ngưỡng mộ và biết ơn cơ thể vô hạn trước sự kì diệu và trí thông minh của nó. Mình đã từng đọc câu quote như này:
“Your body can stand almost anything. It’s your mind that you have to convince.”
Cơ thể thực sự chứa đựng rất nhiều trí tuệ - nhưng tâm trí với mớ suy nghĩ rối loạn, lo âu, suy diễn đêm ngày không ngừng nghỉ lại cho rằng nó mới là kẻ biết nhiều hơn. Mình tin rằng, kết nối với cơ thể ở đây – bây giờ chính là con đường không chỉ mang đến an lạc và vững vàng trong hiện tại, mà cũng là sự chuẩn bị tối thượng cho những biến cố không thể tránh của kiếp người, mang tên bệnh tật và cái chết.
Một viên panadol có thể đem đến sự dễ chịu, nhưng không thể đem đến trí tuệ. Vậy nên, khi cơn đau vẫn nằm trong tầm có thể chịu được, tại sao không thử quay về với cơ thể và khám phá nó?