Trống rỗng, không sao
Đã bao giờ bạn bỗng cảm thấy mất hứng thú tạm thời với những điều mình yêu thích?
Dù cẩn thận đến mấy để giữ bản thân bận rộn với muôn vàn lịch trình, kế hoạch hấp dẫn, chúng ta đều từng phải trải qua cảm giác trống rỗng, không ít thì nhiều. Bỗng nhiên việc đi chơi, đọc sách, xem phim, viết lách, vẽ vời hay nói chuyện không còn đem lại nhiều niềm vui như thường lệ. Bỗng nhiên tương lai cũng không còn khiến bạn quá bận tâm. Bạn cũng chẳng đoái hoài hay đắm chìm trong quá khứ. Bạn chỉ đơn giản là lơ lửng trong hiện tại, nhưng không thấy an yên hay toại nguyện. Hẳn nhiên có rất nhiều việc để làm, nhưng trong bạn lại thấy trống rỗng lạ thường.
Những lúc như vậy, bạn sẽ làm gì? Cố gắng tìm kiếm một kích thích ngoại vi khác để thấy được lấp đầy? Hay nỗ lực giải thích và tìm rõ ngọn ngành của cảm giác trống rỗng? Có lẽ bạn sẽ vùng vẫy giãy đạp để cảm giác trống rỗng đó ra đi. Vì trống rỗng phơi bày trần trụi trước bạn câu hỏi về cái gọi là ý nghĩa – ý nghĩa của tất cả chuỗi ngày đã đến rồi đi trong đời. Vì trống rỗng khiến bạn tê liệt, ít động lực để làm việc hơn bình thường. Trống rỗng yêu cầu bạn phải dừng lại một chút để nghỉ ngơi, để thở trong cảm giác bải hoải mệt mỏi không đầu không đuôi.
Người ta thường nghĩ lỗ trống là để lấp đầy, nên họ bảo nhau hãy sống đời trọn vẹn – a fulfilled life. Từ fulfilled nghĩa là tròn trịa, đủ đầy, toàn vẹn mà không còn gì bị thiếu khuyết. Cho nên trong vô thức, ta hay theo đuổi cảm giác trọn vẹn, liên tục nỗ lực khắc phục những điều chưa hoàn hảo, chưa như ý nhằm đạt được sự mãn nguyện tròn đầy. Cũng vì thế, ít khi ta ‘để yên’ cho các cảm giác thiếu thốn, bao gồm cảm giác chơi vơi, trống rỗng. Song bạn nghĩ sao nếu sự trống rỗng không phải là để khỏa lấp, mà là để nhận diện? Chỉ đơn thuần nhận diện mà thôi.
Có lẽ, cảm giác trống rỗng chỉ là một phần không thể thiếu của quá trình tồn tại. Ngay cả khi ta có dãy to-do-list dài dằng dặc, nhiều bạn bè để gặp, nhiều quán xá để ghé, trăm nghìn thứ để ăn, vô vàn điều mới để làm. Sự trống rỗng có thể xuất hiện vào bất kì thời điểm nào, ở bất kì ai. Không cần phải cố giải thích hay tìm kiếm câu trả lời cho những trăn trở hiện sinh (mục đích, ý nghĩa,…) khi cảm giác trống rỗng đến. Chỉ cần biết (aware), chấp nhận (accept), tiếp tục làm những việc thường ngày, hoặc đi ngủ cũng được. Duy trì cái biết và sự chấp nhận đó trong suốt các hoạt động là đủ rồi.
Cảm xúc sinh – diệt theo tiến trình tự nhiên. Cảm xúc không mang theo gánh nặng hay vấn đề đòi hỏi bạn giải quyết. Nên là không phải giải quyết gì hết. Ngắm nhìn nó như cách bạn ngắm nhìn cơn mưa bất chợt, kiên nhẫn và đầy hiểu biết: ‘kiểu gì nó chẳng qua’.