Từ cái nôi đến cái tôi, và từ cái tôi trở về cái nôi

Kể từ khi có nhận thức về bản thân và về thế giới xung quanh, mình bắt đầu hoang mang tìm kiếm định nghĩa cho con người mình. Như những người khác, mình nhặt nhạnh tất cả những chủ đề có thể trong cuộc sống để dễ dàng bỏ bản thân vào một cái giỏ, phân biệt mình với những nhóm còn lại của thế giới. Có một số chủ đề lớn mà mình tin là không chỉ mình, rất nhiều người khác cũng đang vin vào để tìm kiếm cái tôi riêng biệt.

Thành tích: Khi đi học mình luôn đứng đầu lớp, dẫn đầu trường, sau đó đỗ vào Ngoại thương, nơi mình tiếp tục thu gom các thành tích về điểm số, cố gắng đạt học bổng, cố gắng đỗ vào câu lạc bộ lớn. Tất cả đều hỗ trợ cho khía cạnh “giỏi giang” mà mình khát khao muốn thấy ở bản thân.

Vật chất: Mình từng xem từng đồ vật nhỏ như bìa cuốn sổ tay, chiếc bút cho đến tai nghe, máy tính, điện thoại, đôi giày,… như một cách thể hiện cho người khác thấy mình là ai, có cá tính, lối sống như thế nào.

Nơi mình ở: Từng có một thời gian mình cố gắng bằng mọi giá để được sang nước ngoài, đi du học vì ở Mỹ thì có vẻ xịn sò hơn ở Việt Nam. Hoặc khi sống ở một thành phố hiện đại, nhộn nhịp thì mình cũng thấy “dễ khoe” hơn so với việc tốt nghiệp rồi đi làm ở trong tỉnh.

Công việc: Mọi người đều coi công việc như mảnh ghép lớn nhất tạo nên bức tranh của cái tôi cá nhân của họ, và mình cũng không ngoại lệ. Nghề sáng tạo, nghề hành chính, nghề kinh doanh, nghề youtuber… đều có khả năng nói lên năng lực của một người, và mình luôn muốn chọn một công việc mà tên của nó nói lên được sự khác biệt của mình. Bởi chức danh công việc như “Tôi là nhà văn”, “Tôi là quản lý”, “Tôi là abc Specialist”,…giúp chúng ta trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” thật nhanh gọn và đơn giản, cho người khác và cho chính mình.

Nơi mình làm: Làm nghề gì phản ánh cái tôi, nhưng làm cho công ty nào cũng phản ánh cái tôi nhiều không kém. Mình từng khát khao vào được công ty to bự, nhắc tên ai cũng biết vì nó khiến mình thấy sự hơn người, giỏi giang, thành công, đáng ngưỡng mộ. Thật tuyệt vời khi nói tên công ty xong, ai cũng phải thốt lên “Siêu thế!”.

Ước mơ: Đôi khi không chỉ hiện tại bạn đang làm được gì, mà cái tôi còn được thể hiện qua việc tương lai bạn muốn làm gì. Bạn mơ lớn thì cảm giác “ngầu” hơn người mơ nhỏ hoặc không có ước mơ gì cả. Nên người ta vẫn đánh giá nhau qua ước mơ của nhau. Và mình cũng từng nghĩ mình thật đặc biệt so với bạn bè bởi những ước mơ của mình.

Mối quan hệ: Việc mình quen ai, chơi với ai, làm việc với ai cũng tác động đến cách mình thấy mình là ai. Ví dụ như, mình từng tự hào vì học tập trong môi trường có nhiều người giỏi, thành công, năng động, quen những người tài năng, đạt được nhiều thành tựu. “Bởi vì tao giỏi nên tao biết nhiều người giỏi”, mình từng nghĩ vậy.

Sở thích: Sở thích cũng có thể khiến con người ta cảm thấy thượng đẳng. Ví dụ như mình thích đọc sách, thích vẽ, thích những thú vui tao nhã, thì mình cảm thấy tốt hơn một đứa chỉ thích lướt Facebook chẳng hạn. Sở thích tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng sâu bên dưới, chúng ta luôn tìm cách khẳng định cá tính của mình.

Phong cách cá nhân: Ngoại hình là thứ dễ thể hiện tính cách hơn cả, và bởi vậy từng có thời gian mình thay đổi phong cách tóc tai, trang điểm, quần áo liên tục để chúng “đúng” với “chất” của mình nhất. Thậm chí đến đến cái vòng tay cũng phải nói lên được “bản sắc riêng” của mình. Bên cạnh đó, cách cư xử, cách nói chuyện, cách giao tiếp với người khác cũng là thứ mình dùng vun đắp cho tính-cách-mà-mình-muốn-thấy.

Nói thẳng ra thì, gần như mọi điều nhỏ nhặt hằng ngày đều tác động đến cách mình nhìn bản thân. Ví dụ như khi bố thí cho người nghèo, mình cảm thấy mình là người tốt, người bao dung, người biết quan tâm. Cách mình xử lý tình huống cũng khiến mình gán thêm một nhận định như là “thông minh, nhanh nhạy”, cách mình nói một câu, cách mình viết, cách trả lời tin nhắn cũng thể hiện một điểm nào đó trong “tập” cái tôi của mình. Có thể nói, gần như không có gì là không dính dáng đến cái tôi, đến các nhãn dán, chỉ có điều là ta có nhìn thấy được hay không thôi. “Ngựa non háu đá”, người càng trẻ thì càng khát khao khẳng định tôi là ai với thế giới. Xây dựng cái tôi từng là ý nghĩa sống của mình, bởi làm sao có thể sống khi chẳng có dấu ấn nào để thể hiện ra? Và nếu thế thì, cuộc sống sẽ nhạt nhẽo đến nhường nào?

Cái tôi là thứ khiến con người mê mệt kiếm tìm, xây dựng, gia cố, bảo dưỡng. Đơn giản là không có cái tôi, ta hoảng loạn không biết bám vào đâu. Con người thích những thứ có thể nắm bắt được vì ở đó họ thấy an toàn. Nếu không dán cho mình một nhãn dán, chúng ta thấy bất an, thấy mất sự kiểm soát. Nếu nhắc đến bản thân mà không thể định nghĩa được tôi là người như thế này, với tính cách như thế nọ, đã đạt được thành tựu xyz trong cuộc sống… thì tôi là cái gì đây? Quá mơ hồ, quá mạo hiểm, quá đáng sợ! Bởi vậy cả đời, chúng ta chỉ muốn sống theo cái tôi/hình ảnh ổn định. Mọi nỗ lực, mọi hành động đều xoay quanh việc bảo vệ cái tôi đó đứng vững. Như vậy thì chẳng bao giờ ta phải rơi vào khủng hoảng, vì ta tin là mình đã hiểu về bản thân, đã hiểu về cuộc sống.

Tuy nhiên giờ đây, mình không còn thấy cái sự vun-bồi-cái-tôi là lẽ sống, là niềm vui nữa. “Cái tôi, cái của tôi” khiến chúng ta đau khổ và làm người khác đau khổ. Cái tôi càng lớn, chúng ta đau khổ càng nhiều, tách biệt càng nhiều khỏi thực tại. Mình đã thấy nhiều người thành công, người nổi tiếng luôn phải cư xử theo một cách nhất định trước công chúng. Đôi khi họ quá sợ để ngu ngơ và hồn nhiên, để đùa giỡn và vui vẻ, bởi vì họ đang dính chặt vào hình ảnh của sự đĩnh đạc, xuất chúng, hơn người. Họ không muốn mình cư xử giống như đám đông. Và điều đó quả là ngục tù lớn, quả là phi tự nhiên. Ai có cái tôi càng lớn, càng mong muốn người khác đối xử với mình đặc biệt. Họ dễ dàng thấy bị xúc phạm, thấy thất vọng, thất tức giận. Người có cái tôi lớn thật mong manh, thật dễ sụp đổ, bởi gần như mọi thứ đều có thể làm tổn thương họ và cả những pháo đài nhãn dán mà họ đã xây dựng. Kể cả khi họ tỏ ra là mình không quan tâm.

Ảnh: Tùng - Gam màu tím ở rìa thế giới

Đến một lúc nào đó, mình nghĩ chúng ta đều sẽ nhận ra, việc xây dựng cái tôi thật nhạt nhẽo, mệt mỏi, khổ sở và vô nghĩa. Đây cũng là lúc nhiều người chọn hành trình đi vào bên trong để khám phá con người trần trụi của họ, lột bỏ dần những nhãn dán để tìm thấy bản thể vô hạn, để không là ai, không là gì cả. Không còn hình ảnh nào để bảo vệ, không còn tính từ, danh từ nào phải “được củng cố”. Nhưng, người ta chỉ mất mấy chục năm đầu đời để dựng lên nhà tù bản ngã giam cầm bản thân, trong khi đó phải mất cả đời còn lại và nhiều đời sau nữa chỉ để thoát khỏi nhà tù đó và tự do khỏi những khái niệm do con người tự dựng (man-made ideas). Như Tùng đã viết trong bài hát “Gam màu tím ở rìa thế giới”: “Cần một năm để có một cái nôi, cần tận hai mươi năm để có một cái tôi, và cần một trăm năm để biết rằng cái tôi sau cùng thì vẫn chỉ là cái nôi...". “Một trăm năm” đó cũng chính là chuyến đi vĩ đại nhất, tuyệt đẹp nhất của loài người, nơi tự do và niềm hân hoan nằm trên từng bước chân chứ chẳng phải ở cõi cực lạc nào cả.

Vậy đó, từ những khía cạnh của cuộc sống, mình đã từng có cho bản thân rất nhiều nhãn dán để phân biệt mình với phần còn lại của Trái Đất. Nhưng giờ đây, con đường mình chọn đã khác đi. Đó là con đường dài vô cùng tận, trăm năm, nhiều kiếp, ai biết được. Chắc mình mới đi được 1/2 bước chân cũng nên. Nhưng chẳng phải đi để đến, đi chỉ để mà đi thôi. Sớm hay muộn gì, thì “mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”, cũng như dù dòng sông dù có vô vàn nhánh rẽ, sau cùng đều sẽ đổ về đại dương rộng lớn.

COMMENTS