Vài sự thật về khóa thiền Vipassana 10 ngày

Vậy là đây là lần thứ 2, mình hoàn mãn khóa thiền Vipassana 10 ngày. Lần đầu tiên mình tham dự khóa thiền là vào tháng 1/2020 tại Sóc Sơn, Hà Nội. Sau 2 năm ko thể tổ chức vì dịch Covid, mình và 1 người bạn đăng ký tham gia khóa 3/3-14/3/22 vừa rồi tại Đồng Nai.

Đã có rất nhiều thông tin về khóa thiền Vipassana 10 ngày trên mạng, cũng như review từ các thiền sinh cũ về cách đăng ký, thời khóa, quy định,… do đó mình sẽ không đề cập đến các vấn đề này. Thay vào đó, mình muốn cung cấp cho bạn một ít sự thật bé nhỏ về khóa thiền để nếu đủ duyên, bạn sẽ đến khóa thiền với một tâm thế đúng đắn, thực tế hơn.

Khóa thiền không phải là nơi để trốn chạy

Thiền luôn là để đối diện. Vì vậy nếu bạn nghĩ rằng khóa 10 ngày sẽ giúp bạn vơi đi nỗi đau, quên đi những điều bạn không muốn nhớ, thì hãy nghĩ lại. Thực tế khóa thiền sẽ giúp bạn bớt đi đau khổ và quên đi phiền não, nhưng cái bớt, cái quên này đến khi và chỉ khi bạn đối diện với vấn đề của bản thân mình. Trong khóa thiền, bạn sẽ buộc phải tỉnh thức mà ngồi im để thấy mọi dao động, mọi gào thét của tâm liên tục. Đó là đối diện. Làm sao bạn có thể chạy trốn trong thiền? Bạn có thể đi chơi, đi ăn, tìm kiếm niềm vui hời hợt chốn đông người để trốn chạy. Song cứ hễ bước vào thiền, bạn phải đối diện với tất cả những yếu đuối và tiêu cực của bản thân. Nhưng đối diện như thế nào cho đúng cách mà không bị lạc vào đấu tranh tư tưởng và vun bồi thêm mâu thuẫn nội tâm? Vipassana sẽ dạy cho bạn kĩ thuật đối diện đó.

Khóa thiền không có gì huyền bí hay vi diệu

Khóa thiền rất logic, thực tế và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, sự nghiêm túc của thiền sinh. 10 ngày thực hành không phải chỉ có màu hồng, ơn phước hay sự giải tỏa. Bạn sẽ cảm thấy tức giận và khó chịu nếu ngay từ đầu, bạn đã kì vọng khóa thiền phải mầu nhiệm, cao siêu. Vipassana không thể giúp bạn giải quyết vấn đề theo cách huyền bí, kì diệu mà nó sẽ chỉ cho bạn cách đối diện và xử lý vấn đề của mình - hay nói cách khác là đối diện và xử lý những nút thắt nội tâm của bạn xung quanh cái gọi là “vấn đề”, theo cách đầy thực tế. Đối diện là công việc của bạn. Khóa thiền chỉ là phương pháp giúp bạn nhìn thẳng vào bản chất tâm của mình và cách gỡ rối những chất chứa trong tâm – những chất chứa mà trước đây khi chưa đủ trí tuệ, bạn đã làm cho chúng sinh sôi nảy nở trong vô thức. Sau khi quay trở về, bạn nhận ra mình đã có một con đường để đi. Song người đích thân đi con đường đó phải là bạn, và đừng mong chờ điều gì vi diệu từ bên ngoài bản thân mình.

Khóa thiền không có mục đích chữa bệnh

Mình biết một số người có kì vọng về khả năng chữa bệnh của khóa thiền Vipassana. Song trong quyển “Nghệ thuật sống”, tác giả William Hart (viết quyển sách dưới sự xác nhận của thiền sư Goenka) có viết rằng mục đích của khóa thiền là để thanh lọc tâm khỏi những bất tịnh mang tên tham, sân, si – là cội rễ bắt nguồn mọi khổ đau của con người, từ đó sống một cuộc sống hạnh phúc, hòa hợp, giải thoát hơn. Thiền sinh tham gia phải là những người có thể chất đủ tốt, tinh thần đủ ổn định để theo kịp thời khóa và hưởng được lợi lạc của Pháp. Đúng là một số người cảm thấy khóa thiền mang lại lợi ích cho cả về thân (như bệnh cải thiện, bớt đau đầu, bớt đau lưng…) song đó chỉ là tác dụng phụ của việc rèn dũa một cái tâm quân bình. Mục đích của khóa thiền vốn dĩ không phải để chữa bệnh. Do đó, đừng đến khóa thiền nếu ngay từ đầu bạn đã mong muốn chữa bệnh hoặc giảm đau cho thân.

Hãy tham dự với ít kì vọng nhất có thể

Khi bạn được đọc về những trải nghiệm của các thiền sinh cũ, hẳn bạn sẽ không còn đến với khóa thiền với tâm thế trinh bạch. Bạn sẽ nhớ lại những gì mình đã được đọc, và tìm kiếm điều đó ở khóa thiền. Nhưng mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng biệt. Với cùng một thiền sinh cũ, khóa trước cũng khác khóa sau. Không có cảm giác nào là còn y nguyên dù tâm thì thích bám víu. Mọi thứ đều liên tục đổi thay – đó là điều bạn cần nhớ để không mang theo gánh nặng của sự kì vọng trong quá khứ (dù của mình hay của người) đến với một khóa thiền mới.

Ví dụ như, 2 năm trước khi mình tham dự khóa đầu tiên, mình đã an, đã vững, đã hưởng được rất nhiều lợi lạc khiến mình không ngừng kinh ngạc và xuýt xoa. Đây là con đường – mình đã vỡ òa như thế trong niềm xúc động và biết ơn vô hạn sau khi biết đến Vipassana. Một thời gian dài sau đó, mình vẫn luôn đau đáu mong muốn được tham dự một khóa thiền nữa – với hy vọng tìm kiếm những cảm giác thuở ban đầu (điều này là không thể, nhưng trong sâu thẳm, mình vẫn mong muốn sự bình an – lợi lạc mà khóa thiền đầu đã mang lại cho mình).

Khi duyên lành lại hội tụ, mình tìm về thiền viện Pháp Sơn để tham dự khóa 10 ngày lần thứ 2. Mình không tìm thấy cảm giác cũ. Đương nhiên thôi. Mình đang thay đổi, khóa thiền đang thay đổi, bối cảnh đang thay đổi, mọi nhân duyên đều đang thay đổi. Lần này, mình không còn thấy bản thân kinh ngạc trong xúc động trước những gì học được – phải rồi, vì mình đã là thiền sinh cũ – lý thuyết hướng dẫn không còn là điều mới mẻ. Lần này, mình cũng không tìm được cảm giác an lạc vững vàng như 2 năm trước. Lần này, mình thấy bản thân sân nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn, bám víu nhiều hơn vào những gì đã biết. Nhưng ít nhất là mình có thể nhận ra những kì vọng này để còn kịp buông. Mình không còn đặt 2 khóa thiền này lên một bàn cân rồi xét xem mình đã tiến bộ hay thụt lùi. Đơn giản là chúng khác nhau, và việc của mình không phải là tìm kiếm, mà là chỉ trải nghiệm.

Dù bạn là thiền sinh mới hay cũ, điều quan trọng nhất vẫn là buông so sánh và kì vọng. Điều này đặc biệt quan trọng. Hãy để bản thân được tự nhiên trải nghiệm khóa thiền như nó là mà không tìm kiếm gì cả. Chấp nhận được trải nghiệm lợi lạc thì rất dễ, nhưng chấp nhận được cả trải nghiệm có-vẻ-không-lợi-lạc nữa thì mới đích thị là thiền, đích thị là trí tuệ.

Vipassana là con đường của sự thực hành

Mỗi thiền sinh phải thực hành trong 10 ngày, và tất nhiên là cả sau 10 ngày nữa. Theo mình, cái khó không phải là gác lại mọi thứ để tu tập 10 ngày, mà cái khó chính là DUY TRÌ sự thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Rất thử thách. Thiền sinh khi trở về phải đối diện với nhiều ngổn ngang lôi kéo từ trách nhiệm và cả các thú vui thế tục. Duy trì hành thiền Vipassana mỗi ngày đòi hỏi quyết tâm và cả sự hy sinh rất lớn: hy sinh những thoải mái, những lạc thú, những ăn chơi để có thêm 2 tiếng mỗi ngày thực hành. Không phát tâm mạnh mẽ thì khó mà làm được. Bởi vậy cho nên, câu chuyện hành Pháp chỉ thực sự bắt đầu sau khi khóa thiền 10 ngày kết thúc, chứ không phải là ở trong khóa thiền. Thực hành sao cho mỗi ngày đối diện với lo toan, áp lực, mệt mỏi vẫn là một ngày có thể tỉnh giác và bình tâm. Thực hành sao cho giữa bộn bề ràng buộc từ bên ngoài nhưng tâm vẫn giữ được sự sáng suốt, ít phản ứng. Vipassana rõ ràng không phải là để thường thức hay dạo chơi. Pháp thực sự là con đường nhập thế - chúng ta phải thực hành như Pháp, sống như Pháp mới nếm được vị giải thoát.

Mình được gì khi tham dự khóa thiền?

Nếu có ai đó hỏi mình câu này trong quá khứ, hẳn mình sẽ cảm thấy choáng ngợp không biết nên bắt đầu câu trả lời từ đâu. Bởi dường như khóa thiền đem đến quá nhiều lợi ích mà mình khó có thể gọi tên cụ thể. Còn giờ đây, mình có thể gói gọn lại điều cốt tủy nhất mà một khóa thiền 10 ngày đem đến cho một thiền sinh - một người cư sĩ với đủ trách nhiệm, lo toan trong cuộc sống thường nhật: Ấy là khả năng ĐỊNH ở trong hiện tại. Đương nhiên, Vipassana sâu mầu hơn vậy rất nhiều, bởi cái đích cuối cùng của phương pháp thiền này chính là giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau. Song với một cư sĩ bình thường, lợi ích thiết thực và cơ bản nhất mà khóa thiền mang lại vẫn chính là khả năng ở trong hiện tại mà không còn bị vọng tưởng lôi kéo.

Khi chưa tu tập, chúng ta thường có thói quen bị suy nghĩ (vọng tưởng) lôi dắt đi đủ mọi hướng, tạo tác đủ việc mà không có khả năng nhìn nhận xem suy nghĩ đó đến từ một cái tâm quân bình hay tâm phản ứng. Chính những vọng tưởng sinh khởi liên tục này khiến chúng ta mệt mỏi và khổ sở. Sau khi trải qua 10 ngày im lặng và thực hành thiền, mỗi người đều dễ dàng cảm nhận được sự yên tĩnh và sáng suốt bên trong tâm trí. Một cách đầy tự nhiên, thiền sinh có khả năng nhận diện được vọng tưởng ngay giây phút nó sinh ra và ngay chỗ nhận diện đó, họ buông được vọng tưởng mà không còn đuổi theo nó hay làm theo sự sai sử của nó. Họ nhận ra đa phần các suy nghĩ, toan tính chỉ là sản phẩm của một cái tâm đầy rẫy bất tịnh và tham, sân, si. Đa phần các suy nghĩ đều đến từ một cái tâm có thói quen phản ứng. Với hiểu biết như vậy được áp dụng vào cuộc sống, hành giả Vipassana có thể an trú vững vàng trong hiện tại, có thể đối diện với những căng thẳng và lo âu với cái tâm sáng suốt, tỉnh thức, trí tuệ mà không còn bị vọng tưởng chi phối. Không bị vọng tưởng lôi dắt không có nghĩa là họ sẽ ngồi im và không làm gì cả. Thay vào đó, cái tâm quân bình sẽ giúp họ đưa ra quyết định hành động hợp lý mà không còn phản ứng nhất thời như trước. Thực hành thiền mỗi ngày sẽ củng cố khả năng bám rễ trong hiện tại và chỉ cần thế thôi, một người trở nên an tĩnh, cân bằng, nhu nhuyễn hơn, từ đó tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, hạnh phúc hơn, hòa hợp hơn. Với một cư sĩ, đây chính là hương vị của Pháp.

Nơi tổ chức khóa thiền

Ở phần cuối này, mình muốn nói qua về 2 nơi mà mình đã tham dự 2 khóa thiền 10 ngày. Bạn có thể đăng ký khóa thiền Vipassana 10 ngày tại: vipassana.vn hoặc phapdangthientue.com (Thiền viện Pháp Sơn). Vipassana.vn là trang web chính thức của dòng thiền Vipassana theo truyền thống của thiền sư Goenka. Còn ở thiền viện Pháp Sơn (Đồng Nai), bạn sẽ được sư cô trụ trì dạy. Mặc dù cả 2 có khác nhau đôi chút về cách tổ chức, nguyên lý kĩ thuật được dạy đều là MỘT – bởi chính sư cô trụ trì tại thiền viện Pháp Sơn là người đã theo học Pháp rất chuyên tinh dưới sự hướng dẫn của thầy S.N. Goenka. Khi hưởng được lợi lạc từ việc thực hành cộng với nhân duyên đưa đẩy, sư cô muốn giữ nguyên phương pháp của thầy Goenka để dạy tại thiền viện mà không thay đổi hay thêm bớt điều gì về mặt kĩ thuật. Tất nhiên, sẽ lý tưởng hơn nếu bạn được tham dự khóa chính thức của thầy Goenka – nhất là với những ai là thiền sinh mới. Nhưng nếu bạn chưa đủ duyên với các khóa trên vipassana.vn, đây là nơi bạn hoàn toàn có thể đến học thiền Vipassana với những tinh túy vốn có của nó mà không lo bị pha trộn.

Sau cùng thì, kĩ thuật thiền hay lợi ích của thiền cũng chỉ là những điều có thể truyền đạt bằng ngôn từ, ai cũng có thể hiểu và công nhận dễ dàng bằng trí năng. Điểm khác biệt quyết định vẫn là thực sự thực hành. Chúc cho bạn sớm có duyên với một khóa thiền 10 ngày để tự mình cảm nhận được dòng nước mát lành của Pháp.

COMMENTS