Vượt lên trên thích và không thích

Hành động của con người thường bị chi phối trong vô thức bởi 2 cảm giác đối đãi: Thích (dễ chịu) - ghét (khó chịu). Mọi lựa chọn từ bé đến lớn đều dính dáng đến điều ta thích và điều ta ghét, từ loại nước, món ăn, chiếc váy, đôi giày, cho đến những lựa chọn lớn như nơi ở, công việc và các mối quan hệ với người khác. Ta luôn bận rộn đảm bảo những gì mình tiếp xúc là thứ ta thích, thứ sẽ đem lại cảm giác dễ chịu nhất có thể. Bởi cảm giác của sự bất mãn thật khó để chịu đựng, kể cả khi nguyên nhân chỉ là vết bẩn trên chiếc áo mới mua, trời mưa đúng vào buổi hẹn nọ hay một đầu việc đột xuất bị thêm vào to-do-list trong ngày.

Nhưng Vipassana dạy rằng, chúng ta không nhất thiết phải đồng hóa cảm xúc thích/ghét với chính mình, bởi các cảm giác đó không phải là chúng ta. Chúng ta theo đuổi, níu kéo điều ta thích, đồng thời luôn cố đẩy xa hoặc chống đối dữ dội điều ta ghét. Nhưng vốn dĩ bản chất của các sự việc chẳng phải là đáng ghét hay đáng yêu. Việc đáng ghét với người này, lại chấp nhận được với người khác, thậm chí là điều mà người khác nữa sẽ thích. Sự thích/ghét là thiên kiến do tâm tự dán lên cho sự việc, dẫn đến các phản ứng kéo theo là mê mẩn, níu kéo hay chống đối, xua đuổi tùy theo nhãn dán loại nào được gắn lên. Khi sự việc diễn ra đúng ý thì ta hài lòng và vui vẻ, nhưng chỉ cần chệch đi một chút thôi là ta khó chịu, thậm chí tức giận hoặc nổi cơn cuồng nộ. Chỉ trong 24 tiếng thôi cũng có vô vàn điều thích - ghét từ nhỏ đến lớn xuất hiện đưa cảm xúc của chúng ta lên rồi xuống liên tục cùng với sự níu giữ và phản kháng. Chúng ta cảm thấy thật khó để thấy an yên bởi vì không ai có thể thể kiểm soát được tính chất của tình huống. Ta ghét tình huống này, ta không chọn cảm giác ghét mà bị nó chọn! Vậy giờ chỉ có thể tức giận với tình huống và vùng vẫy bằng mọi giá để chuồn khỏi nó ngay lập tức mà thôi!

Việc khéo léo sắp xếp cẩn trọng sao cho bản thân luôn gặp những điều như ý và né tránh thứ mình ghét sẽ giới hạn sự đa dạng và muôn màu của cuộc sống. Như vậy là để thiên kiến cá nhân điều khiển toàn bộ cuộc sống thay vì tự do và cho phép mọi trải nghiệm, cho phép sự sống chiếm hữu mình. Người khôn ngoan với chánh niệm sẽ không để bản thân bị cảm giác kéo đi xềnh xệch như thế. Sẽ có nhiều lúc họ quên và phản ứng lại với điều họ thích/ghét, nhưng họ cũng sẽ sớm “nhớ” lại và an tĩnh được ở vị trí sâu bên trong để quan sát tất cả chuyển động của cảm giác thích thú, chán ghét và để thấy 2 cảm giác đối đãi này chỉ là hiện tượng tự nhiên, chứ không phải là họ. Họ sẽ không vì mê thích mà muốn có được nhiều hơn, hay cố “bám dính” lấy cảm giác lâng lâng dễ chịu mà sự mê thích mang lại. Họ sẽ không vì ghét mà chống đối, chạy trốn hoặc cố gắng thay đổi hiện trạng bằng một hành động bột phát.

Nếu ở cùng với sự khó chịu của cơn ghét bỏ trong toàn bộ ý thức, người đó sẽ đi xuyên qua cái ghét ban đầu đó và tìm thấy nơi cuối con đường là tình yêu bình đẳng vốn luôn có sẵn cho cả điều như ý và không như ý. Trong quá trình đi xuyên qua cái ghét, trí tuệ và lòng từ bi sẽ nảy sinh. Họ nhận ra bản chất của mọi sự không có gì là đáng ghét hay đáng yêu. Rằng tâm có thể nở ra đến vô hạn để đón nhận bất kỳ điều gì, không chỉ là cái bất mãn be bé như một ngày mưa, đôi giày bị vấy bẩn, sếp phê bình vô lý,… mà thậm chí, họ có thể chấp nhận cả những điều bất mãn vĩ đại luôn bị coi là bi kịch như cái chết - Trải nghiệm ai cũng chống cự vô cùng nhưng ai rồi cũng phải đi qua.

Nói vậy không có nghĩa là phải chịu đựng trong đau khổ những sự kiện mình ghét. Sẽ là chịu đựng trong vật vã khổ sở nếu ta không có chánh niệm, không có khả năng biết điều gì đang diễn ra bên trong. Nhưng với ánh sáng của chánh niệm, họ sẽ soi thấy được sự đau khổ chán ghét trọn vẹn, cho dù điều đó đồng nghĩa với cả những cơn thở dốc, tim đập nhanh, mắt đỏ hoe, ngực đau thắt hay cổ nghẹn ứ. Điều khác biệt duy nhất là họ không chống cự mà cho phép tất cả. Cho phép cái đau, cái khó chịu, cái chán ghét cùng lúc dồn dập hỗn loạn đến mà không cố tìm cách thoát khỏi chúng. Sau khi đi qua cơn bão giông đó rồi, tâm trí được an tĩnh đôi hồi, lúc đó họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn (nếu hiện trạng có đủ “không gian” để họ tham gia vào). Họ có thể hành động chứ không phải phản ứng, họ là người làm chủ chứ không phải kẻ bị kéo đi. Còn không thì, họ sẽ chấp nhận nương theo sự tình cho đến khi cái duyên khác đến và đưa họ rời đi với những bài học tâm linh khác vẫn đang chờ.

Với những ai như mình, chưa phải là người tu tập tinh tấn, đôi khi chúng ta bị kích động thái quá và khao khát đưa ra quyết định bột phát ngay giữa tâm bão cảm xúc. Hoặc khi nhận thấy mình đang ở trong tình huống độc hại, ta lập tức bật chế độ “Fight or Flight” - hoặc là chiến đấu hoặc là bỏ chạy ngay lập tức. Đương nhiên bạn không nhất thiết phải ở đó mãi để quan sát thân và tâm bị ảnh hưởng tiêu cực. Vấn đề là khi đang ở đỉnh của parabol cảm xúc, hãy cố gắng ở trọn với nó cho đến khi đi qua đỉnh. Sau lúc đó, bạn có thể quyết định rời đi hoặc hành động theo cách mà bạn muốn làm vào lúc bị kích động nhất (nếu nó vẫn còn ở đó). Nhưng bạn không bỏ chạy lúc cảm xúc ở cực hạn, bởi bài tập ở đây là làm sao để ta không phải là nô lệ của cảm xúc. Đó là bài tập khó, nhưng nếu có đủ chánh niệm, bạn sẽ làm được. Khi muốn làm cái gì nhất, đừng làm nó. Hãy chờ khi cơn muốn cao trào đi qua rồi hẵng làm. Mục đích là để luyện tập khả năng tách khỏi cảm xúc và quan sát nó với sự bình tâm, không phản ứng.  Sau cùng thì vấn đề không phải là theo đuổi cảm giác dễ chịu, xua đuổi cảm giác khó chịu, mà là bài học chấp nhận và chào đón cả 2 thái cực này với tình yêu như nhau, tách ra khỏi chúng ở vị trí an tĩnh và biết rằng cảm giác chẳng phải là mình. Để chúng đến và đi, bởi ta vốn luôn là người hay biết và quan sát mọi sự.

Vượt lên trên cái thích và cái không thích, là cái tâm bình lặng, rộng mở, sống động. Vượt lên trên cảm giác dễ chịu và khó chịu, là trạng thái tự do khôn cùng khi được giải phóng khỏi mọi trói buộc của ngoại cảnh. Bài học tuy khó, nhưng ta có thể tập buông xả từ những kén chọn hằng ngày, tập từ những thích-ghét tí hon vốn vô thưởng vô phạt nhưng ta luôn nằng nặng bám chấp vào mới thấy hả dạ. Từ những buông xả nhỏ như thế thôi, cũng đủ thấy mỗi ngày an yên hơn rất nhiều rồi.