Wild Wild Country và câu hỏi: có nên đọc Osho?

Osho là một nhân vật thú vị. Một trong những bậc thầy tâm linh gây tranh cãi nhất từng được biết đến. Một con người khiến bạn phải thích, phải ghét. Không thể bỏ ông ấy vào một trong hai cái hộp đúng hoặc sai. Không ai có thể giải thích được ông ấy.

Lần đầu tiên mình đọc Osho là khoảng gần 2 năm trước khi đang dạo quanh tầng 5 của thư viện quốc gia, cố tìm quyển sách hay ho về chủ đề tâm linh. Vô tình mình gặp “Đạo” của Osho. Không nhớ lắm đó là “Đạo” hay “Thiền”, nhưng đại khái một trong hai quyển đó là cuốn sách Osho đầu tiên mình đọc. Thời điểm đó mình chưa biết Osho là ai, tiểu sử ông ấy như thế nào. Tất cả những gì mình biết là: Mình yêu sách của ông ngay lập tức! Giọng văn cá tính khác người. Câu cú gọn gàng, thẳng thắn. Không nghiêm túc như những tác giả tâm linh khác, ông cực kì dí dỏm và hài hước, khiến bạn phải cười thành tiếng. Osho là người thích khiêu khích thứ gọi là nền tảng, suy nghĩ xuôi, hoặc những gì thường được chấp nhận bởi xã hội. Đôi khi Osho có thể hơi mỉa mai, đơn giản, trực tiếp đến trần trụi, người nhạy cảm có thể gọi đó là xúc phạm. Nhưng Osho có sức lôi cuốn vô cùng mạnh mẽ. Nội dung sách của Osho không cần gọt dũa để trở nên logic hơn, ông viết như thể nghĩ đến đâu viết đến đó. Lặp lại có, khó hiểu có, lộn xộn có, ngẫu hứng có. Đọc xong “Thiền”/”Đạo”, mình biết đây chính là một trong những tác giả mình thích nhất.

Osho không giống với bất kì ai mình từng biết trong lịch sử. Sau này khi đọc nhiều hơn tác phẩm của Osho, không chỉ là sách mà còn thông qua các bài trích trên Facebook, mình hiểu được văn phong và cá tính của ông nhiều hơn. Kỳ lạ - Đó là tất cả những gì có thể nói về Osho. Ông không phải là con người ai cũng có thể thích. Ông ấy không giống như Đức Phật - Osho cũng giác ngộ nhưng ông ấy là một bản thể khác - Ông ấy có cách biểu hiện khác. Một người khiêu khích, thách thức những quan điểm cũ kĩ của xã hội. Một người cho phép sự tự do hoàn toàn không đè nén, đôi khi tưởng như là thác loạn. Người nói về tình dục, chủ nghĩa tư bản, tâm linh cùng một lúc. Ông ấy quá khác với định nghĩa rập khuôn về một vị giác ngộ từ bi, đoan chính. Ông ấy gây quá nhiều tranh cãi. Ông ấy cho bạn cảm giác bối rối về ranh giới của đúng và sai. Người ta sẽ bảo bạn phải cẩn thận khi đọc Osho, phải đề phòng, phải cân nhắc kĩ - Vì Osho quá khác.

Wild Wild Country là bộ phim tài liệu của Netflix, kể về nỗ lực xây dựng cộng đồng tự do của người đàn ông kì lạ này, cùng với một loạt vụ lùm xùm đi kèm. Ai đã đọc Osho, quan tâm về ông ấy thì một khi đã bắt đầu Ep 1, sẽ không thể dứt ra cho đến khi hoàn thành Ep cuối cùng. Mình từng biết đến vụ bê bối này nhưng không muốn tìm hiểu quá sâu, cho đến khi mình gặp Wild Wild Country. Vị lãnh đạo tâm linh - Tạm gọi như thế - Đưa cộng đồng lớn gồm những tri thức phương tây đến định cư ở thị trấn hẻo lánh Antelope, thuộc bang Oregon Hoa Kì vào năm 1981. Trong cộng đồng của Osho có rất nhiều trí thức cao từng giữ nhiều vị trí nghề nghiệp danh giá ở Mỹ và châu Âu. Họ là cộng đồng đủ giàu có, đủ xuất chúng để mua một mảnh đất hoang dã rộng lớn, xây dựng một thị trấn riêng, hoàn toàn độc lập với bên ngoài có tên là Rajneeshpuram. Ở đây, mọi thứ hoàn toàn tự cung tự cấp. Rajneeshpuram có chính quyền riêng, có hệ thống phân quyền riêng. Trong thành phố riêng của mình, những người Rajneeshees có thể tận hưởng lối sống tự do - không đè nén dựa trên nền tảng của lòng từ bi, tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện. Sự tự do biểu lộ ra theo cách quá khác biệt, có phần ghê rợn, điên rồ với người ngoài khiến dân địa phương cảm thấy sợ hãi và bất an. Nhiều bất đồng dần xảy ra, sự khó chịu trở thành sự ghét bỏ, sự ghét bỏ phát triển thành hận thù, trả đũa. Nước Mỹ đặt câu hỏi liên quan đến tính hợp pháp của của Rajneeshpuram. Người Mỹ sợ nếu cứ để yên thì một ngày nào đó “chúng” sẽ xâm chiếm cả đất nước. Một vụ scandal lớn liên quan đến chuỗi hành vi vi phạm pháp luật - Quy mô liên quan đi từ chính quyền địa phương cho đến vấn đề của cả Hoa Kỳ. Tất cả đều xoay quanh nỗ lực đấu tranh cho sự tồn tại của Rajneeshpuram của các môn đồ Osho. Mọi thứ dần đi xa hơn, mọi nhân vật có liên quan dần trở nên tinh vi hơn, méo mó hơn nhưng tuyệt nhiên không thể phân biệt rạch ròi ai đúng ai sai, đâu trắng đâu đen. Một câu chuyện dài, quá nhiều chi tiết và quá phức tạp để có thể tóm tắt. Nhưng vấn đề mình muốn tập trung ở đây không phải là vụ bê bối đó - Mà là con người của Osho: Con người thật của ông ấy sau khi xem Wild Wild Country.

Mình đã phải há hốc kinh ngạc với những gì diễn ra trong Wild Wild Country - Một câu chuyện hoàn toàn có thật ngỡ như tiểu thuyết hư cấu. Não bạn cần thời gian để có thể phân tích xem chuyện gì đã xảy ra. Netflix đã làm khá tốt trong việc giữ vai trò trung lập và đưa bạn cái nhìn khá toàn diện về sự kiện. Là ai đã sai? Nếu như cả 2 bên: Rajneeshpuram và chính quyền Hoa Kỳ đều sai thì ai sai nhiều hơn? Ai là bên sai trước? Osho rốt cuộc là con người như thế nào? Ông ấy có phải bậc giác ngộ không hay chỉ là một kẻ lừa đảo - Kẻ tẩy não người khác để giành quyền lực và của cải? Nếu ban đầu cộng đồng của ông gồm những con người theo đuổi niềm vui, sự hoan ca, Niết bàn thì tại sao mọi thứ phải đi xa như thế? Tại sao phải có bạo lực, âm mưu? Là Osho hay thư kí của ông - Sheela điều khiển tất cả? Chính Osho thực sự đã tính toán cho cuộc gian lận nhập cư lớn nhất nước Mỹ? Sự thật cuối cùng, bạn không thể biết. Suốt 6 tập trong Wild Wild Country, mình có quá nhiều câu hỏi, có quá nhiều cảm xúc, có quá nhiều suy nghĩ. Nhưng không có điều gì ở lại lâu. Không thể dán nhãn bất kì ai trong Wild Wild Country cả, không thể. Sau khi kết thúc phim, bạn không thể hiểu Osho là kẻ xấu hay người tốt, là kẻ lừa đảo hay bậc thánh nhân. Rất nhiều thứ đã diễn ra, nhiều hành vi phạm tội được tiến hành, nhưng bạn không thể rút ra được một điều để bám lấy. Bạn không thể kiểu à, hóa ra Osho tệ như thế và bạn sẽ không bao giờ đọc nửa chữ của ông này nữa. Mặt khác, bạn cũng không thể nói Osho không sai, rằng ông ấy đúng ngay từ đầu. KHÔNG! Đơn giản là không thể! Bạn muốn bám lấy một kết luận để cuộc đời dễ dàng hơn - Nhưng không thể. Và đó là điều kì lạ về Wild Wild country. Đó là điều kì lạ về Osho - Không thể giải thích bằng ngôn từ.

Có thể nói, xem phim là cách hay để thấy rõ hơn về một sự kiện lớn trong tiểu sử của Osho - nhưng mình không gọi đó là “vết nhơ” của ông. Thực ra, mình còn có phần thấy Osho thú vị hơn gấp nhiều lần. Osho không phải là con người dễ để tôn thờ và ngưỡng mộ. Osho không phải là tuýp người dễ được đa số ca ngợi. Osho có nhiều thị phi, nhưng thị phi kì lạ thay không khiến bạn quay lưng với ông. Bạn không thể dán nhãn đúng sai, tốt xấu cho ông ấy. Bạn chỉ có thể nói: “Tôi KHÔNG HIỂU con người này”. Phải quên hết sự đối đãi: Đúng sai, phải trái, trên dưới, đẹp xấu, trắng đen - Những khái niệm trí não tạo ra và chỉ nhìn mọi thứ như chúng là. Dùng logic thì không thể giải thích Osho được. Chỉ có thể nói Osho là Osho - Vượt khỏi mọi ranh giới của khái niệm, của ngôn từ.

Mình vẫn sẽ đọc Osho như đã từng đọc, chỉ khác là với nhiều hiểu biết hơn về cuộc đời của tác giả mà thôi. Không có gì thay đổi. Đó vẫn là con người lôi cuốn, trần trụi, khó hiểu, một dị nhân, một thánh nhân, một lãnh đạo tâm linh có một không hai, hoặc bây giờ có thể là một kẻ lừa đảo. Ai mà quan tâm chứ? Osho là ai không quan trọng. Chỉ cần biết rằng khi đọc sách Osho, người ta hiểu một cách đầy trực giác, họ đang đi trên hành trình ngoạn mục tìm về với bản thể và trả lời câu hỏi: Rốt cuộc thì, tôi là ai? Đó, mới là điều quan trọng.